Thứ Ba, 20 tháng 9, 2011


HÀNH ĐỘNG XIN LỖI, MỘT NÉT ĐẸP TRONG ỨNG XỬ CỦA CÁC NHÂN VIÊN Y TẾ 
 
Khi các nhân viên y tế phạm sai lầm


Khi nhân viên y tế phạm sai lầm gây tổn hại đến người bệnh, hoặc do tắc trách hoặc do kém chuyên môn, cách giải quyết hợp lý nhất là nhận trách nhiệm và xin lỗi người bị hại. Một hành động xin lỗi kịp thời ít nhiều cũng làm giảm bớt được đau khổ và giận dữ của người bị hại,
Tuy vậy, trên thực tế, các nhân viên y tế và các bệnh viện nước ta thường không muốn công khai các sai lầm họ đã gây ra cho người bệnh và cũng rất hiếm khi nói lời xin lỗi. Họ không cho thân nhân hoặc bệnh nhân tiếp cận hồ sơ bệnh án và nếu bị bắt buộc, họ chỉ cung cấp thông tin một cách nhỏ giọt, không đầy đủ một cách cố ý, để có lợi cho bệnh viện nhiều hơn. Kết quả, người bệnh thường chỉ được thông báo công khai các sai sót sau khi đã đưa vấn đề của mình ra tòa án hoặc đưa lên mặt báo.
Ngoại trừ những vụ việc mà sai sót đã quá rõ ràng, thường là những sai sót do thiếu trách nhiệm nghiêm trọng như quên kéo, quên gạc trong ổ bụng, như buồn ngủ không khám kỹ nên bỏ sót chẩn đoán dẫn đến tử vong . . . những sai sót khác thuộc về chuyên môn trong chẩn đoán và điều trị sẽ rất khó tìm hiểu cặn kẽ vì đòi hỏi một trình độ chuyên môn nhất định, mà các luật sư ở nước ta thì đào đâu ra nỗi các kiến thức loại này? Các cơ quan quản lý y tế, khi đứng ra xét sử vụ việc, sẽ giải quyết bằng cách mời các bác sĩ, các chuyên gia cố vấn cho ý kiến. Nhưng ở một đất nước mà tình trạng tham nhũng móc ngoặc còn tràn lan, làm sao có thể tin tưởng vào các chuyên gia này, khi họ lại được mời bởi những người cùng phe với chính những kẻ gây hại ? Do đó, người bệnh hay những người bị hại, khi muốn đòi lại công bằng, cần tìm được các bác sĩ giỏi chuyên môn, hoạt động độc lập và có lương tâm, để tìm hiểu hồ sơ bệnh án và cố vấn cho mình trước hội đồng xét xử.


Hành động xin lỗi là một nét đẹp trong ứng xử cuả ngành y tế

Khi nhân viên y tế phạm phải sai lầm, hậu quả có thể rất nghiêm trọng và lâu dài, ảnh hưởng trực tiếp cả hai phiá, bệnh nhân và bác sĩ.
Trên thế giới, càng ngày càng có nhiều khuynh hướng muốn công khai các lỗi lầm như vậy trong việc chăm sóc các bệnh nhân và điều này được xem như một phần của chiến dịch bảo đảm an toàn trong điều trị của nhiều quốc gia. Nhiều thăm dò gần đây cũng cho thấy hành động xin lỗi bệnh nhân của các nhân viên y tế hoặc của bệnh viện chính là phần cốt lõi để đem lại một kết quả tích cực khi công khai các lỗi lầm.
Xin lỗi là hành động cần có của một người khi đã gây tổn thương cho người khác. Hành động này bao gồm việc chấp nhận lỗi lầm là có xảy ra, chịu trách nhiệm trước lỗi lầm và biểu lộ thái độ thành thật hối tiếc vì những gì đã xảy ra. Một hành động xin lỗi đầy đủ phải kèm theo lời hứa sẽ tìm cách không phạm sai lầm trong tương lai và việc bồi thường thỏa đáng cho người bị hại.
Hành động xin lỗi là một nét đẹp trong ứng xử không chỉ riêng cho ngành y tế mà của một xã hội có văn hóa nói chung.
Hành động xin lỗi sẽ mang lại nhiều hệ quả rất tích cực cho nạn nhân và cho cả người đứng ra xin lỗi. Thật vậy, khi được xin lỗi thành thật, người ta sẽ thay đổi cách nhìn đối với trách nhiệm của người gây hại, không còn kết tội quá gay gắt nữa và người ta cũng cảm thấy các nhân viên y tế vẫn còn là những người trung thực. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh hành động xin lỗi có thể làm giảm tỷ lệ các vụ việc phải mang ra tòa án.
Hành động xin lỗi được xem như là một bước khời đầu rất tốt chứng tỏ các nhân viên y tế và bệnh viện sẽ tìm cách phòng ngừa các tai biến đó trong tương lai. Hành động này sẽ giúp củng cố mối quan hệ giữa bệnh nhân và các nhân viên y tế sau khi các tai nạn đã xảy ra và chính là yếu tố tối cần thiết cho việc tiếp tục chăm sóc bệnh nhân của bệnh viện.

Nguyễn Thy Anh

Thứ Hai, 12 tháng 9, 2011


 Thế nào là SỐNG GIẢN ĐƠN - AN LẠC?

bài viết của Nguyễn Thy Anh
Đây là một lối sống giản đơn, hoàn toàn tự nguyện, để được an lạc và hạnh phúc nhiều hơn.
Tên gọi khác: sống giản đơn tự nguyện (voluntary simplicity).


An lạc

Người theo phong cách sống này, tuy có bề ngòai rất giản dị nhưng, cuộc sống nội tâm lại rất phong phú và rất hạnh phúc do họ ý thức được rằng 1/ Không cần chạy theo lối sống tiêu thụ vật chất vì hạnh phúc thật sự không đến từ vật chất bên ngòai mà chính từ trong tâm của mỗi người, và 2/ Cần phài đối xử công bằng hơn với mọi người cũng như mọi sinh vật khác trên trái đất đang cùng chia sẻ với mình các quà tặng vô giá của thiên nhiên.

1/Vì sao không cần chạy theo lối sống tiêu thụ vật chất cũng có được hạnh phúc?
vì hạnh phúc thật sự không đến từ vật chất bên ngòai mà chính từ trong tâm của mỗi người. Ở các nước phát triển như nước Mỹ, thu nhập bình quân của người dân không ngừng tăng hơn so với các thế hệ trước nhưng, phần trăm những người cảm thấy hạnh phúc vẫn không đổi, chỉ khỏang 1/3, đồng thời, tỷ lệ ly dị tăng gấp 2 và tỷ lệ thanh thiếu niên tự sát tăng gấp 3.

Nô lệ của vật chất
Khi chạy theo của cải vật chất, chúng ta sẽ trở thành nô lệ của vật chất như nhà cửa, tiền bạc, của cải nói chung. Chúng ta sẽ không bao giờ cảm thấy hài lòng, mãn nguyện vì lúc nào cũng muốn sở hữu nhiều hơn nữa. Điều này chỉ mang đến đau khổ nhiều hơn vì phải khao khát và tìm cách thỏa mãn không bao giờ dứt.
Chúng ta cứ ngỡ rằng hạnh phúc có được là từ các yếu tố bên ngòai đem đến. Không hẳn thế, vì hạnh phúc luôn sẵn sàng hiện hữu trong chúng ta bất chấp hòan cảnh xung quanh. Thật vậy, đơn cử một đất nước Bhutan nhỏ bé, nằm kẹp giữa 2 anh khổng lồ Ấn Độ và Trung Quốc, chỉ có 700.000 dân với lối sống truyền thống cực kỳ giản đơn, tuy có thu nhập đầu người rất khiêm tốn nhưng chỉ số hạnh phúc quốc gia "gross national happiness"(GNH) index lại rất cao ( The Washington Post )
Khi chọn lựa cuộc sống giản đơn, chúng ta sẽ giảm thiểu được rất nhiều trách nhiệmvà các nhu cầu vật chất giả tạo để có thì giờ phát triển một cuộc sống tinh thần phong phú, mang lại nhiều an lạc hơn.(xem thêm)

“Hầu như mọi người đều có cơ hội lựa chọn hạnh phúc theo ý của mình” (Abraham Lincoln)

2/ Vì sao cần phài đối xử công bằng hơn với mọi người cũng như mọi sinh vật khác?
Vì chúng ta, bẩm sinh ai cũng muốn được hạnh phúc. Nếu bạn có quyền khao khát hạnh phúc thì mọi sinh linh khác trên thế gian này cũng có quyền đó. Bạn căn cứ vào nền tảng nào để có quyền phân biệt đối xử với họ?
Với nền kinh tế phát triển tòan cầu ngày nay, thế giới này trở nên quá nhỏ bé và tất cả chúng ta đều phải phụ thuộc lẩn nhau ở mức độ cao. Hạnh phúc của bạn cũng phụ thuộc vào hạnh phúc của tất cả mọi người. (xem thêm ...)


Trong đời sống hàng ngày, chúng ta đang sử dụng rất nhiều tiện nghi vật chất, chẳng hạn như nước sạch, xăng dầu, giấy mực, máy điều hòa, điện thọai di động, máy bay, xe hơi . . . tất cả những phương tiện vật chất này xuất hịện không phải do chúng ta làm ra, mà là do thiên nhiên trao tặng, do bàn tay chung sức của rất nhiều người, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp. Chúng ta không thể quay trở lại với lối sống của các thế kỷ trước đây, lúc ấy, con người chỉ biết sử dụng những vật dụng đơn giản cho cuộc sống. Lợi ích của một cá nhân có quan trọng đến đâu thì, xét dưới góc độ logic hơn, lợi ích của 5 tỉ người đang cùng sống trên trái đất này chắc chắn phải quan trọng hơn nhiều so với lợi ích của một cá nhân duy nhất. Suy nghĩ theo hướng này, chúng ta sẽ ý thức được trách nhiệm tòan cầu, vấn đề môi trường tòan cầu cần phải bảo vệ.
một thái độ vị tha và phóng khóang hơn cho thế giới hôm nay sẽ giúp chúng ta đạt được hạnh phúc nhiều hơn vì, hạnh phúc chính là sự chia sẻ.(xem thêm)

“Thế giới sẽ tốt đẹp hơn nếu ta dành cho người khác dù chỉ một ít cảm thông mà ta vẫn thường dành cho ta” (vô danh)

Tóm lại,
Cuộc sống giản đơn tự nguyện sẽ tháo bỏ cho chúng ta những gông cùm trách nhiệm do chính chúng ta đã tự đeo vào cổ, sẽ giúp chúng ta có nhiều thời gian hơn để sống với những người thân yêu, nhiều thời gian hơn để thư giản và thực hiện những điều mình yêu thích, nhiều thời gian hơn để chia sẻ giúp đỡ người khác. Quan niệm hạnh phúc với lối sống giản đơn không phải là vấn đề mới xuất hiện gần đây. Từ ngàn xưa, trong kinh cựu ước của Thiên Chúa giáo, trong triết lý của đạo Phật, của Lão Tử, đã có rất nhiều lời khuyên người ta phải biết sống giản đơn và, hạnh phúc không phải do hoàn cảnh, vật chất quyết định mà chia sẻ mới chính là chìa khóa của hạnh phúc.

Tài liệu tham khảo: The Dalai Lama's Book of Wisdom

Thứ Năm, 8 tháng 9, 2011