Thứ Hai, 24 tháng 10, 2011

Câu chuyện về một người điên (bài của Nguyễn Tăng Tri)

Chuyến về thăm Đà Nẵng của tôi tháng 4 năm 2011 mới đây trở nên sôi động trong sinh hoạt với đám bạn học thời trung học của tôi khi tôi tìm ra địa chỉ và đến thăm một bạn học cũ là Nguyễn Ngọc Anh, cựu học sinh trường TH Kỹ Thuật Đà Nẵng(từ năm 1965-1970), cựu Sinh Viên năm thứ 3 trường Quốc Gia Kỹ Sư Công nghệ NK (1971-1973).
Tôi đã có dịp về thăm Đà nẵng 7 lần từ năm 1976 đến nay, và thăm trường cũ được 4 lần nhưng lần nầy mới tìm ra được Nguyễn Ngọc Anh.
Ngày 5/4/2011,Trần Viết Mỹ (cũng là bạn cùng lớp với tôi và N.A) hẹn gặp tôi ăn điểm tâm, sau đó Mỹ phải về nhà thăm ba của Mỹ, tôi hỏi Mỹ còn nhớ địa chỉ của Ngọc Anh không? Mỹ không nhớ nhưng chở tôi đến khu vực nhà cũ của gia đình N.A.
Sau khi đã hỏi 3,4 người đang làm việc ở các cửa hàng gần đó, không ai biết. Cuối cùng có người chỉ một căn nhà bỏ trống phía trước. Tôi bấm chuông thì gặp được Thường, một cựu SV Đại Học Khoa Học SG, học sau tôi và T.V. Mỹ 2 năm.
Thường cũng không biết địa chỉ của N.A nhưng rất nhiệt tình và hứa sẽ tìm kiếm và điện thoại cho tôi.
Hai hôm sau, Thưòng gọi cho tôi biết đã kiếm ra chỗ ở của N.A. và ngay sau đó đã chở tôi đến thăm N.A.
Đến nơi, tôi gặp Hoa, em gái N.A và mẹ Ngọc Anh. Bác gái đưa tôi lên gác nơi N.A ở (còn ba của N.A. đã qua đời lâu rồi).
Gặp lúc bị cúp điện, chỉ có ánh sáng lò mờ từ cầu thang hắt lên, N.A từ trong phòng nhảy ra, má N.A nói có bạn con từ Canada về thăm đây. N.A.
đưa tay khoát khoát xua đuổi tôi và nói li nhí không rõ tiếng.
Tôi hỏi N.A. nhiều lần: mầy còn nhớ tau là Nguyễn Tăng Tri, bạn học của mầy đây khong?…Nhưng N.A. vẫn khoát tay và xô tôi ra. Sau khi mắt tôi đã quen với ánh sáng mờ mờ, tôi quan sát chung quanh thì thấy các cửa sổ bị đóng kín, N.A. không nhận rõ tôi vì đã 32 năm không gặp lại, nhân dạng tôi đã đổi khác, và bất ngờ tôi ở xa về, có lẽ vì vậy N.A. từ chối gặp tôi, nhất là sau nhiều biến cố đã xảy ra cho N.A. kể từ “mùa hè đỏ lửa 1972”…
Câu chuyện tôi kể sau đây không nhằm mục đích phê phán ai cả mà chỉ muốn nêu ra để các bạn học cũ, các thầy cô và các bạn cùng thời suy gẫm về thân phận và số phận của một sinh viên thời chiến (mà có thể của nhiều bạn khác nữa!)…Và những gì chúng ta có thể làm được để cố gắng xoa dịu bớt nỗi đau khổ và mất mát của N.A. và gia đình bạn ấy.
…Cuối cùng thì N.A. không quyết liệt xua đuổi tôi mà dần dần dịu xuống, cái đẩy tay tôi ra nhẹ nhàng hơn và thều thào: đi xuống, đi xuống…
Tôi nói với N.A.: Tau đi xuống thì mầy có xuống không?
N.A. gật đầu : Ừ, đi xuống.
Tôi xuống cầu thang gác, N.A. bước xuống theo, ra đến cửa, hắn ngó lên trời, nhìn bên phải ra đầu hẻm, nhìn bên trái về phía trong con hẻm nhiều lần. Rồi nhìn đăm đăm tôi rất lâu.
Tôi thấy trước cửa nhà đối diện có 2 cái ghế bỏ trống bèn bảo N.A. qua đó ngồi nói chuyện. N.A. đứng một hồi lâu chừng 5 phút .Vẫn chưa chịu ngồi, tôi đến ôm N.A., nó để yên, nước mắt tôi trào ra khi nhìn thấy hình hài ốm o gầy mòn, râu không cạo, tóc không cắt, răng đã rụng gần hết, chỉ còn lại vài cái làm miệng móm sọm. Những người hàng xóm đang bán hàng ở đầu hẻm 27 Lý Thái Tổ nhìn tôi ngạc nhiên và tỏ vẻ ái ngại.
Tôi buông N.A ra và bước đến ghế ngồi rồi gọi N.A. đến ngồi, N.A. bước đến chuẩn bị ngồi vào ghế thì môt thanh niên dáng dấp to lớn từ ngoài đầu hẻm bước đến và mời vào nhà , thì ra đó là Trí, em ruột cuả N.A. Lúc xưa, Trí còn nhỏ nên không biết tôi mà chỉ nghe tên tôi.
Tôi ,Trí, N.A.và mẹ N.A. cùng vào nhà…Tôi đã gởi cho mẹ N.A. 100USD để gọi là chút quà cho N.A. vì nó từ chối đi ăn với tôi..
Tôi đã hỏi N.A. có nhận ra và còn nhớ tôi là ai không? N.A. trả lời: Mi là Nguyễn Tăng Tri chứ ai!
Tôi nhắc lại một kỷ niệm ngày xưa khi tôi và N.A. còn học SPCN ở ĐH Khoa Học SG năm 1970-1971:
Mầy còn nhớ tau với mầy dành đọc trước bộ sách truyện dịch 4 cuốn Chiến tranh và Hòa bình, lúc ấy mầy mua bộ sách đó, mầy đọc trước cuốn 1, rồi đưa tau mượn độc cuốn 1, mầy bắt đầu đọc qua cuốn thứ 2, nhưng mầy đọc chậm quá tau đòi đọc trước cuốn 2, hai thằng cãi nhau và cuối cùng bắt thăm để xem đứa nào đọc trước, mầy còn nhớ cuốn sách đó, tác giả là ai?
Thật bất ngờ, N.A. trả lời ngay: Của Léon Tolstoi chứ ai!
Tôi bảo N.A.: Bây giờ mình đi kiếm gì ăn sáng,(mặc dầu tôi đã ăn với chú của tôi rồi), hoặc là kiếm gì nhậu nghe?
Trong khi trò chuyện với Trí tôi đưọc biết có các bạn Trần Hữu Trung, Nguyễn Văn Thùy, Thái Mỹ Liên, Mai Rạng, Nguyễn A, Trương Quang Phước, Huỳnh Văn Quý, Huỳnh Trọng Từ, Phan Liễu vẫn nhắc đến Ngọc Anh và thỉnh thoảng ghé thăm. Tôi bảoTrí gọi điện thoại và mời các bạn đến thăm N.A. và kiếm quán nhậu với nhau và rủ N.A. ra khỏi nhà.
Khi đang chờ Trung, Liên và Thùy đến. (Các bạn khác bận về quê làm lễ Thanh Minh và giỗ gia tộc, Nguyễn A thì phải chăm sóc cho chị ruột của hắn bị tai nạn giao thông ở quê nên không về được). Tôi nhận được điện thoại từ BS Trần Thị Hiệp ở Biên Hòa, đang nói chuyện điện thoại tôi thấy N.A. ra khỏi cửa và đi vào sâu trong hẻm, sau đó đi về tay xách một túi nylon nhỏ màu đen, đến khi tôi trở vào nhà, Trí mới nói, anh Anh đi mua bia về đãi anh đó…
Trung, Thùy, Liên đến. Bạn bè nhắc lại nhiều kỷ niệm ngày xưa. N.A chỉ tham gia vài nhận xét về bạn bè, khi thì đồng ý, khi thì lắc đầu.Tiếng nói của N.A. bị khan, và cũng do mất nhiều răng nên phát âm không rõ, phải cố gắng lắm chúng tôi mới hiểu rõ ý của N.A.
Trước khi ra về các bạn đồng ý với đề nghị của tôi là sẽ gặp nhau một lần nữa ở một quán ăn có mời thêm các bạn khác và tôi đề nghị N.A. hớt tóc, cạo râu và Trí sẽ chở N.A đi dự.
Hai hôm sau, Trung chở tôi đến thăm Nguyễn Trương Khôi, vừa mới mổ để thông đông mạch cổ bị tắc nghẽn, sau đó qua nhà Huỳnh Văn Quý rồi đến nhà Trang (chơi bóng rổ rất hay trong đội bóng với Lý Lương, Lý Minh), tìm đến một quán nhậu do Trang đề nghị. Sau đó Trung gọi cho Trí, nhưng không được bèn chạy đến nhà Trí và cùng rước N.A. đến quán nhậu.
Ngọc Anh đến nơi với tóc đã cắt ngắn và râu đã cạo, áo bỏ vào quần rất chỉnh tề…Chào hỏi, bắt tay bạn bè và cũng cụng ly uống bia với bạn bè…
Sau đó, cũng có vài lần nữa hẹn N.A đi ăn sáng, trưa, tối ở các nơi khác nhau.
Thái Mỹ Liên tình nguyện sẽ đến thăm N.A. thường xuyên và tôi đề nghị
Trí sắm giá vẽ, bản vẽ và màu để mỗi cuối tuần hoặc có dịp lễ đưa N.A ra biển, đi chơi ỏ núi Sơn Chà hoặc các cảnh đẹp để N.A giải khuây bằng các bức họa, đồng thời chuẩn bị giấy bút để N.A viết, làm thơ vì N.A. cũng rất thích thơ văn…Các bạn và người nhà đừng bao giở nhắc đến chuyện buồn, mà chỉ nên nhắc đến chuyện vui trong quá khứ. Trí nên sơn lại chỗ ở của N.A bằng các màu sáng, tươi nhưng dịu mắt, trồng một số chậu kiểng và hoa tươi ở các cửa sổ. Ban ngày cửa sổ phải mở và trong nhà trang bị đèn néon để cho sáng sủa làm cho tinh thần N.A phấn khởi. Nếu có thể được thì có máy ảnh để N.A. chụp hình chơi (mục này thì N.A. lắc đầu bảo không cần thiết).
Ngọc Anh đã mất hết tuổi thanh xuân trong lúc tràn đầy nhựa sống, là nạn nhân của tư tưởng phong kiến của cha, ông đã can thiệp quá sâu và quá nhiều vào tương lai, việc học hành và sự nghiệp của người con trai trưởng. Và cũng là nạn nhân của chiến tranh và thời cuộc.
Tôi còn nhớ rất rõ N.A. học giỏi và chăm chỉ, cầu tiến, nhưng thời cuộc và chiến tranh đã đẩy N.A. vào vòng xoáy của chiến tranh, đã phải chịu nhiều tủi nhục của một lao công chiến trường, chịu sự đọa đày bởi lòng ganh tỵ của một số sĩ quan trong đơn vị khi biết được N.A. trốn quân dịch để học tiếp năm thứ 3 Kỹ sư công nghệ, mà không đi trình diện để đi Sĩ quan Thủ Đức, để bị đày đến ở Quảng Trị. Ngọc Anh đã chịu tủi nhục trong suốt thời gian từ mùa hè đỏ lửa cho đến ngày 29/3/1975. Đó là những tháng ngày mà nhân phẩm của N.A bị tổn thương nặng nề nhất, mà N.A. đã tâm sự với tôi vào cuối năm 1976 khi tôi về thăm Ngọc Anh tại ĐN,vào lúc đó N.A. đã nói với tôi là nó đã được giải phóng đúng nghĩa…
Tôi nhớ lại câu chuyện của N.A:
…Một buổi chiều chủ nhật vào mùa thu năm 1972, tôi đang chở N.A. bằng xe Vespa super 150cc của tôi đi trên đường Trần Hưng Đạo, hướng về phía Saigon để đến nhà sách Khai trí, đến gần ngã 3 Trần Hưng Đạo-Nguyễn Hữu Cảnh thì bị Cảnh sát Công lộ thổi còi chận xét giấy tờ xe và bằng lái xe, cùng với các giấy tờ khác như thẻ SV, giấy hoãn dịch, và phải có tờ khai văn bằng Tú tài 1, và còn đòi lược giải cá nhân nữa. Tôi đang trình đủ giấy tờ thì N.A. bỗng đi về phía trước và trình giấy cho một cảnh sát viên mặt còn non choẹt, tên cảnh sát nầy săm soi giấy hoãn dịch của N.A. (lúc đó tôi đã được viên cảnh sát già trả lại giấy tờ và tôi chờ N.A. được trả giấy tờ). Bất ngờ viên cảnh sát nhỏ tuổi nầy móc sổ tay và xem các ghi chép trong đó, rồi mang giấy hoãn dịch của N.A. đến trình viên cảnh sát già và nói hắn nghi ngờ giấy hoãn dịch giả.
Viên cảnh sát già nầy liền bảo phải đưa vào Nha cảnh sát Đô Thành ở đối diện, bên kia đường, tôi liền cự với ông cảnh sát nầy là bạn tôi có giấy tờ hợp lệ, tại sao lại bị giữ lại, ông này bảo tôi nếu sau khi sưu tra giấy tờ hợp lệ thì bạn của anh sẽ được thả ngay sau chừng 15, 20 phút, và nói thêm nếu anh không chờ được thì cứ đi về trước đi chứ không được cãi.
N.A. nói tôi đến nhà cậu của N.A trên đường Trần Khắc Chân để báo tin cho ba của N.A đang vào SG mua đồ còn ở đó. Tôi chạy như bay đến nhà đó gặp ba của N.A., ông liền mắng tôi là tại sao chở N.A đi chơi để đến nỗi cảnh sát xét giấy tờ. Tôi trả lời ông là cảnh sát có thể xét bất cứ lúc nào,và có khi xét nhà chứ đâu cần phải đi trên đường phố, và vào cuối tuần tôi và N.A. là sinh viên đều có quyền đi chơi.
Sau đó, tôi gặp các bạn của N.A. ở cùng chỗ trọ với N.A. và nhờ các bạn ấy đến nhà cậu của N.A. để hỏi thăm tin tức thì mới hay N.A. bi đưa lên Trung Tâm Nhập ngũ tại Quân trường Quang Trung, và bị đưa ngay ra Quảng Trị vì N.A. bị mắc tội trốn quân dịch và dùng giấy hoãn dịch gia cảnh giả, giấy thật nhưng không có hồ sơ gốc, N.A bị đưa đi làm lao công chiến trường… Ngọc Anh đã có học quân sự học đường vả lại đi làm lao công chiến trường, không cần học quân sự. Ở mặt trận, từ binh nhì trở lên đều là thượng cấp của N.A.
Tôi tưởng tượng với hình hài nhỏ bé của N.A lại phải khuân vác, tải đạn, quân trang, quân dụng và sự thiếu thốn tại mặt trận nên đã nhiều lần không ngăn được cảm xúc và nước mắt.
Năm 1975 ấy, N.A. đã nói với tôi nó đã được giải phóng một cách đúng nghĩa để trở về cuộc sống thường dân, chạy về Đà Nẵng, N.A. đã đi tìm việc làm, với chứng chỉ học trình đã học xong năm thứ 2 Kỹ sư Công nghệ, trường TH Tư thục Phan Thanh Giản ĐN đã nhận N.A vào dạy trung học đệ nhất cấp, môn toán.
Nhưng một hôm, bí thư chi đoàn của trường đã đưa N.A. ra trước cột cờ kiểm điểm về quá khứ, N.A. xấu hổ với học sinh và bỏ việc. Trở về nhà, ba của N.A. la mắng suốt ngày. Người yêu của N.A là em của một người bạn học cùng lớp, cô ta cũng là bạn thân của em gái N.A., gia đình cô ta đã dọn vào SG trước năm 75. Vì cuộc chiến năm 75 mất liên lạc với N.A. đã tìm đủ cách để ra ĐN thăm N.A. về ở chung phòng với em gái N.A. đã bị ba N.A. mắng là “cột tìm trâu”, “trắc nết, lăng loàn”…Cô ta uất ức bỏ về SG và không gặp lại N.A nữa…
…Tháng 11 năm 1979, tôi về thăm ĐN lần thứ 2 kể từ khi vào SG học đại học năm 1970. Tôi đến thăm N.A., lúc nầy rất tiều tụy, ốm đi nhiều, thần sắc thất thần, không được tỉnh táo, đối đáp không nhanh nhẹn, trả lời không mạch lạc…Trong lúc mọi người chung quanh đều e ngại và lo sợ cho tôi khi tôi tiếp xúc với N.A., tôi mượn xe Honda của người em họ, đến rủ N.A. đi ăn tối, chở N.A. đi vòng vòng phố xá, đường Bạch Đằng rồi về 1 ăn uống ở một quán cóc ở vườn hoa Diên Hồng, gần ki-ốt của gia đình các cô Xuân, Hạ, Thu, Đông.
Chở N.A. về nhà, ngay tối hôm đó tôi gặp mẹ và em gái N.A. hỏi han về N.A. và được biết ba của N.A thường la rầy nó vì cho rằng quá khứ của N.A đã làm ngăn cản sự thăng tiến của ông trong lúc phấn đấu để làm chức phường trưởng. Ngọc Anh cãi lại và la hét, đập phá đồ đạc, ông già báo công an nhốt N.A vào phòng và cho phép đánh đập nếu N.A chống lại. Cho đến khi tôi về thăm thì đã để được tự do đôi chút. Mọi người chung quanh đều cho rằng N.A. đã điên thực sự…
Tôi bàn và đề nghị với má và em gái N.A là 2 người sẽ cùng đi với N.A. và tôi và có bạn tôi là Hồ Văn Lưu người Huế lớn lên ĐN, nay ở Biên Hòa đang cùng về ĐN với tôi để làm giấy tờ tùy thân để có thêm người có thể chế ngự nếu N.A. nổi cơn (Lưu đã chết cách nay 4 năm vì bệnh ung thư gan!), sẽ đi bằng xe lửa, để đưa N.A. vào BV Tâm thần Biên Hòa, nơi đó tôi có các bạn là bác sĩ sẽ giúp để có phòng riêng để chăm sóc và điều trị cho N.A. Má và em gái N.A. nhờ tôi nói giúp với ba của N.A để thuyết phục ông ấy đồng ý.
Tôi xuống lầu, gặp ông tại phòng khách và trình bày với ông về kế hoạch đã nói, tôi sẽ xin được giấy tờ chuyển viện vì tôi có thể nhờ chú họ tôi đang làm GĐ Bệnh Viện ĐN.
Nhưng…Ba của N.A. bảo tôi: “Cậu thương nó thì đưa nó đi cho khuất mắt tôi”. Tôi tức giận chỉ thẳng vào mặt ông và nói: “Ông là một người cha vô lương tâm và không có trách nhiệm, nó là con của ông chứ không phải con tôi. Thử hỏi,trên đường đi, nếu không có người trong gia đình, tôi lấy tư cách gì để can thiệp nếu nó nhảy tàu, gây gỗ hoặc gây ra chuyện gì với các hành khách khác trên tàu, và tôi đã giận dữ bỏ đi…
Từ ngày ấy, tôi không còn liên lạc với gia đình N.A.
Năm 2006, 2007, 2009, 2010 tôi có những chuyến thăm ĐN ngắn từ 2 đến 5 ngày, cũng có hỏi thăm bạn bè vê N.A. và gia đình hắn ra sao, nhưng không ai biết rõ đích xác địa chỉ, thêm vào đó phố phường đã đổi thay rất nhiều, tôi chỉ còn nhận ra được một số đường phố chính, nhưng không biết địa chỉ và trí nhớ của tôi cũng bị giới hạn bởi đã lâu không hề lưu ý tới.
Lần nầy,trở về với dự định thời gian dài hơn, tôi đã tìm lại được N.A. và đã tìm hiểu thêm tại sao N.A hóa cuồng hay điên dại? Tôi nghĩ, N.A. không mất trí hoặc điên loạn mà đã tự giam mình vào 4 bức tường của nơi cư trú, như thành lũy cuối cùng, “chui sâu vào thân xác lưu đày”, không còn hy vọng trở về cuộc sống bình thường, như “dã tràng” trong bản nhạc” Nha trang ngày về”.
Một N.A. đẹp trai, học giỏi, đầy mơ mộng ngày xưa nay là một ông già ở tuổi gần 60, đã mất 40 năm trong bóng tối cuộc đời và thời cuộc, một người bất hạnh nhất trong số các bạn bè cùng trang lứa.
Tuổi thanh xuân đã mất, còn dưới mắt hàng xóm láng giềng nửa thương, nửa sợ, xót xa cho N.A. với những cái nhìn e ngại khi thấy tôi tiếp xúc với người điên đã nói lên điều đó. Có lẽ các thành viên của gia đình cũng mang tâm trạng đó, chỉ có mẹ của N.A, khi đưa tôi lên gác để thăm N.A. và khi bị N.A. xua đuổi đã nấc lên tiếng nấc nghẹn ngào, mẹ N.A. chắc đã khóc rất nhiều rồi, tôi cũng ứa nước mắt theo, tôi đã đứng lì ra đó trong ánh sáng chập chờn của căn gác cho đến khi phản ứng của N.A yếu ớt dần dần, bỗng một ý tưởng lóe ra trong đầu tôi như một tia chớp, phải chăng N.A. tưởng tôi là công an đến bắt N.A đi theo yêu cầu của ba N.A., nó có biết là ba nó đã qua đời không? Phải chăng N.A. cố thủ vào căn gác như là một pháo đài cuối cùng của sự phòng vệ và nghi ngờ tất cả, từ khước tất cả sự chăm sóc và an ủi của mọi người chung quanh, Trí đã cho tôi biết là N.A tự nấu đồ ăn, tự đi mua thức ăn chứ không chấp nhận ăn bất cứ thức ăn do người khác mang đến mời.
Ý tưởng đó gợi lên trong trí tôi câu chuyện của một chiến binh Nhật Bản sống lẩn lút trong rừng sâu ở Phi Luật Tân từ khi Đệ nhị thế chiến chấm dứt, ông bị lạc với đơn vị cho đến 25 năm sau, thấy cảnh sát của Phi ngoài bìa rừng, ông đã bắn ra bằng cây súng đã lỗi thời trong đệ nhị thế chiến và chạy trốn sâu vào rừng, chỉ đến khi Đại sứ quán Nhật Bản được báo tin, đã tìm kiếm lại người đại úy chỉ huy trực tiếp của ông, đến bắt loa kêu đúng tên và nhắc lại số quân của ông, xưng đúng danh tánh người chỉ huy của ông, ông mới chịu ra đầu hàng…
Ở đây, trường hợp của N.A., do những biến cố của lịch sử và thời cuộc, mà một chàng trai thiếu tự tin vì đã bị nhiều tủi nhục, yếu đuối, không dám thoát ly khỏi hoàn cảnh của gia đình mà chỉ còn biết thúc thủ trong phòng riêng, mất hết liên lạc với bên ngoài, không còn ý niệm về không gian và thời gian, la hét nhiều làm tắt tiếng nên không ai hiểu được nỗi lòng…
Ngay cuối năm 1976, tôi không dám đề nghị N.A bỏ nhà vào SG vì tôi cũng chưa biết số phận mình ra sao. Năm 1979, tôi cũng không dám đưa đề nghị này vì những khó khăn của thời thiếu hụt lương thực.Tôi tiếc cho N.A một điều là năm 1971, nếu nó quyết định đừng bỏ 2 cuộc thi tuyển vào trường Đại Học Nha Khoa và Y Khoa thì nó đâu có bị mất 1 tuổi cộng thêm để được hoãn dịch, vì nó đã đậu SPCN trong số 346 SV đậu kỳ 1 năm đó. Năm đó là năm đầu tiên áp dụng chương trình đào tạo theo Mỹ, phải đậu SPCN của ĐH Khoa học mới được thi vào năm thứ 1 Y khoa (tuyển 250) hoặc Nha Khoa (tuyển 100, sau khi thi điêu khắc và vấn đáp loại 50 và tuyển 50). Không còn tuyển vào năm Dự bị Y Khoa và Dự bị Nha khoa từ tú tài hai mới lên.
Với tổng số thi đậu SPCN là 346, chỉ cần điểm cao hơn điểm của khoảng 100 người, chắc chắn xác suất đậu vào Y và Nha rất cao. Lại có cơ hội thi được cả 2 phân khoa vì ngày thi khác nhau mà những năm trước đó thì thi chung 1 ngày. Nhu vậy, kỳ thi SPCN đã vô hình chung là vòng loại. Sau này tôi mới biết là có sự bất hòa giữa 2 Hội Đồng Khoa của 2 trường Y(thân Pháp) và Nha (thân Mỹ) vì thi vào trường Nha chỉ có môn Anh văn mà không có Pháp văn, thi vào Nha các môn Lý Hóa, Sinh Vật chỉ có hệ số 1, mà môn Anh văn hệ số 2. Trong lúc thi vào trường ĐH Y các môn đều có hệ số 1 như nhau và thí sinh có thể chọn Anh văn hoặc Pháp văn. N.A. và tôi có sinh ngữ chính là Anh Văn.
Cái rủi cho N.A. là sự đầu tư của ba N.A quá nhiều để thi vào trường KS Công Nghệ, mà năm 1970 có 25 học sinh đỗ Tú tài Kỹ thuật đã không vào được vì đã bị cắt mất 25 chỗ trên 50 chỗ để tuyển 25 học sinh có tú tài 2 ban toán, chỉ tuyển 25 HS Kỹ thuật do nghị định của Bộ giáo dục. Và chỉ có năm 1970 mà thôi, năm 1971 tuyển trở lại 50 học sinh tú tài 2 kỹ thuật. Ngọc Anh thi đỗ thứ 2 vào Kỹ sư công nghệ năm 1971. Nhưng mùa hè đỏ lửa bị tổng động viên vì đã dư một tuổi dù đã đưọc cộng thêm 1 tuổi dành cho phân khoa thi tuyển, đáng lẽ N.A. thi Y hoặc Nha, có thể cũng sẽ đậu cả 2 phân khoa như tôi, được cộng thêm 1 tuổi hoãn dịch của năm SPCN, thì đã không bị động viên và không bị trở thành lao công chiến trường…
Cái rủi thứ 2 là cuộc chiến mùa hè đỏ lửa xảy ra lúc N.A. đang học, nếu ba N.A đừng chạy giấy tờ hoãn dịch giả, N.A nếu bị động viên cũng sẽ ở trong các ngành kỹ thuật như công binh, quân cụ, hoặc hải quân công xưởng hoặc căn cứ không quân về kỹ thuật như các bạn học sinh kỹ thuật khác, cơ hội trở lại trường kỹ sư cũng rất dễ sau nầy vì bị gọi đi lính chứ không phải tại thi lên lớp rớt.
Ý tưởng đó lóe lên, tôi nghĩ là liệu có thể đưa N.A. ra khỏi mê lộ của nó không nhưng tôi cứ thử, đâu mất mát gì.Tôi liền bảo N.A: - Tau xuống thì mầy có xuống không?N.A trả lời:- Ừ, thì xuống.
Sau đó thì câu chuyện diễn tiến như tôi đã viết ỏ trên. Ngọc Anh đã không điên loạn, mà chỉ do tự giam mình vào phòng tối, mất liên lạc với bên ngoài thời gian quá lâu. Không tin ai cả ngoài đứa em trai có vóc dáng to lớn, mạnh mẽ có thể che chở cho N.A. vì nó đã không tin rằng mẹ nó có thể che chở cho nó, như trong quá khứ đã xảy ra…các em khác cũng còn nhỏ không thể che chở cho N.A được. Chỉ có Trí nói thì N.A nghe.
Khi Trí đi làm thì N.A. đóng cửa, nghi ngờ và lo sợ bi tấn công, sợ ánh sáng bi chói mắt vì ở mãi trong tối, sợ bị đầu độc nên tự nấu ăn.
Mất ý niệm không gian và thời gian, la hét nhiều trước đây nên cổ họng bi viêm và mất giọng nói, từ đó phát âm không rõ ràng nên không ai hiểu được .
Trí cho tôi biết là trong suốt 40 năm qua, N.A. thường nhắc đến tên tôi ,Trí chỉ biết tên tôi mà chưa gặp tôi, hoặc lúc ấy Trí còn quá nhỏ, không nhớ rõ và vì tôi cũng chỉ đến nhà N.A có 2 lần vào năm 1976 và 1979. Trước khi về SG, để chuẩn bị trở lại Toronto. Tôi đã hẹn Trí và N.A. để gặp Nha Sĩ Cử ra trường sau tôi 16 năm, Cử là con rể của cô Nguyễn Thị Trai dạy tôi môn Vạn vật những năm học Đệ nhất cấp ở trường KT ĐN. Và tôi đề nghị Cử sẽ chăm sóc và làm răng giả cho N.A. Sau đó, tôi gởi cho Trí 100 USD ( làm răng giả ở VN rất rẻ) Trí không chịu nhận mà nói để em lo được, thì N.A nói: Anh Tri cho tau để chữa răng sao mầy không nhận cho tau. Nghe N.A nói lên được điều đó, tôi thật sự mừng vì rõ ràng N.A. không bị “điên”.
Trước giờ ra phi trường, Trí đã đề nghị từ ngày trưóc đó là sẽ tổ chức ăn trưa tại nhà Trí, để có dịp họp mặt gia đình và nói lời từ biệt, trong lúc đang chờ các bạn tới, mẹ của N.A. nói với tôi rằng: “Bác sống không còn bao lâu, chừng vài năm nữa thôi và hôm nay thấy được thằng Anh chịu ra ngoài và vui vẻ hơn bác thật mừng”. N.A. nói với mẹ nó: Mẹ tại sao nói điều bi quan vậy ? hãy lạc quan lên mà sống!
Rõ ràng N.A không bị “điên” vì nhận thức vẫn còn sáng suốt.
Trong buổi tiệc nầy chỉ có Thái Mỹ Liên đến vì Trung bị cảm sốt. Thùy bận về quê tảo mộ. Nguyễn A cũng còn bận chăm sóc chị ở BV, các bạn khác cũng bận việc. Trong lúc còn đang chờ nhập tiệc, bỗng Ngọc Anh hỏi tôi: Mầy có kêu thằng Ngà tới chơi không? Tôi ngạc nhiên hỏi lại: Sao mầy biết thằng Ngà? N.A. nói tau mới gặp đây mà! Lúc đó Trí nói với tôi là hôm tối ăn tại Nhà hàng Thế giới, anh Ngà ( là em con cô ruột tôi) ngồi gần anh Anh và có nói chuyện với nhau. Thì ra N.A vẫn sáng suốt và nhớ những gì đã xảy ra chung quanh điều đó chứng tỏ là N.A có thể trở lại cuộc sống binh thường, trở lại với ánh sáng cuộc đời. Ngọc Anh cũng đã tiễn tôi ra phi trường Đà Nẵng để vào SG.
Chuyến đi về VN lần nầy, tôi đã thực hiện được những việc riêng và chung theo đúng với những dự định, việc của N.A là việc không định trước nhưng là một việc làm tôi vui sướng nhất là đã giúp được N.A ra khỏi cái vỏ ốc của cả 2 mặt thể xác lẫn tinh thần. Không biết lần về sau nầy N.A có thể nói rằng đã được giải phóng hay chưa?
Các bạn còn cho biết Nguyễn Ngọc Cơ cũng là cựu HS KT, cũng bị tình trạng điên loạn giống như N.A, nhưng tôi không còn đủ thời gian thăm viếng, 25% thời gian của chuyến đi nầy, tôi đã vào các BV Chợ Rẫy, BV Chấn thương chinh hình, để can thiệp giúp cho 2 bệnh nhân, mục kích sự chen chúc, náo nhiệt như chợ trời và quá tải của các bệnh viện…
Và cuối cùng trước khi trở về Toronto 1 ngày, tôi đã chỉ định 1 đứa em vợ đưa đứa em áp út của vợ tôi đi khám bệnh, film phổi cho thấy có một bướu (khối u) lớn hơn 1 tấc, nghi là ung thư phổi, tôi cũng đã sắp xếp và gởi gấm lại cho BS Trần Ngọc Thạch, cùng khóa Y khoa với anh ruột tôi (đã mất tích trên biển Đông năm 1980!), trước làm việc tại BV Phạm ngọc Thạch (BV Lao Hồng Bàng cũ, nay anh đã về hưu, anh đã xem film và gởi cho các đệ tử và đàn em lo liệu).
Ôi! thân phận con người…Mỗi người có một nỗi đau khác nhau, đã làm tôi suy nghĩ trong suốt hành trình trở về Toronto và cho đến bây giờ, có lẽ sẽ làm tôi thay đổi nếp sống và lối suy nghĩ từ đây.
Toronto, 27/4/2011.
Nguyễn Tăng Tri

Ảnh đẹp (1): Uyên ương



Uyên ương






Nguyễn Tăng Tri (DDS) và vợ
Hình chụp năm 1990

VÀI NÉT VỀ BỆNH TÂM THẦN Ở HOA KỲ


Bài của Võ Ngọc Luyện
Orange County, California

Không hiểu vì hoàn cảnh xã hội, hay lý do nào đó mà người bệnh tâm thần ở Việt Nam chưa được đối xử đứng đắn, xã hội ít quan tâm tới họ nếu không muốn nói là look down. Gia đình có thân nhân bị tâm thần thường giấu họ trong nhà, thậm chí có khi xích họ lại hoặc đến khi không chịu nổi mới nhờ tới bệnh viện can thiệp. Mặt khác, ngành tâm thần ở VN không được coi trọng, Bác sĩ và nhân viên y tế nếu được phân công về bệnh viện tâm thần xem như "bị đì".


Mục đích của bài này người viết muốn giới thiệu cho bạn đọc một số nét về bệnh tâm thần ở Hoa Kỳ, nhất là trong cộng đồng Việt Nam của chúng ta do thiếu hiểu biết đã đưa đến những tử vong đáng tiếc khi đối đầu với cảnh sát. Hy vọng một ngày nào đó ngành tâm thần ở VN được xem như là một chuyên khoa thực thụ và phát triển chừng mức nào đó để theo kịp đà tiến bộ như trong xã hội Hoa Kỳ.

Quan niệm về bệnh tâm thần ở Hoa Kỳ rất rộng bao gồm:
- Mental illness (Schizophrenia, Bipolar, Depression....)
- Mental disorders (bao gồm các rối loạn về ăn uống, lo âu, tình dục...)
- Behavior disorders (rối loạn về hành vi, nhân cách)
- Những rối loạn tâm thần của người disable (khuyết tật), của người lớn tuổi (Dementia).
Chính vì thế mà ngân sách chi phí cho tâm thần chiếm hàng thứ ba sau các bệnh tim mạch, ung thư. Số giường tâm thần cũng chiếm 25% trong số giường điều trị ở Hoa Kỳ.

Phạm vi bài này chỉ giới hạn nói về các trường hợp thường gặp nằm ở bệnh viện và hướng xử trí thế nào cho phù hợp với luật pháp Hoa Kỳ nói chung và ở California nói riêng.

Bệnh tâm thần được nhận biết ở đâu?
- Từ các phòng khám bịnh do người nhà đưa đến.
- Từ cảnh sát bắt gặp lang thang trên đường phố không có khả năng tự chăm lo cho bản thân (ăn, ở, mặc...)
- Từ những cú điện thoại khẩn cấp 911 do hàng xóm gọi khi thấy người bệnh có hành vi, lời nói hay suy nghĩ bất thường.

Thế nào là những hành vi suy nghĩ bất thường:
- Đột nhiên thay đổi tính tình, lẩn tránh, cô lập, nói năng huyên thuyên, không ăn khớp với thực tế.
- Ăn mặc luộm thuộm thiếu vệ sinh (dishevelved)
-Có những suy nghĩ hoang tưởng (delusion) hoặc nghi ngờ (paranoia) như có người theo dõi để hãm hại hay đầu độc.Tính tình hung hăng thay đổi, đánh la người khác, không kiểm soát được hành vi của mình.

Sau đây là vài thí dụ thực tế đã xảy ra, cảnh sát được gọi đến để đưa đi thẩm định tâm thần.
1. Một sinh viên nọ, đang sống trong campus bỗng một ngày kia vác chày baseball rượt người bạn cùng phòng để đánh.
2. Một ông chồng đánh vợ, la hét sau một chầu nhậu xỉn.
3. Một bác sĩ chuyên khoa, bỗng một ngày kia nhìn qua nhà hàng xóm la chửi om xòm, nghĩ rằng nhà bên cạnh đặt máy theo dõi để hãm hại mình.
4. Một phi công về hưu, nghĩ rằng FBI đặt vào não ông ta một con chip nên ông không còn khả năng lái máy bay nữa.

Như vậy bất cứ ai trong cuộc đời cũng có lúc bị rối loạn tâm thần ít nhiều, đặc biệt là rối loạn về hành vi nóng giận không kiểm soát được.

Khi người bệnh đưa tới phòng khám tâm thần thì sẽ được bác sĩ tâm thần thẩm định bằng cách:
- Lưu giữ trong 72 giờ (5150 legal hold) để theo dõi các hành vi có thể nguy hại đến bản thân người ấy ( DTS/ DANGER TO SELF) hay nguy hại cho người khác (DTO/ DANGER TO OTHER) hoặc thiếu khả năng chăm sóc cho chính bản thân mình (GRAVELY DISABLE). Ở đây xin mở ngoặc thế nào là hành vi gây nguy hại đến người khác: Thí dụ, cảnh sát được gọi đến vì có người cầm vũ khí như cây gậy, dao, súng..., khi cảnh sát đối diện với hung thủ họ không hề biết người đó có bệnh tâm thần hay không. Cảnh sát ra lệnh buông vũ khí, nếu người bệnh hay hung thủ không tuân theo mệnh lệnh, vì sự an toàn của chính họ và người xung quanh, họ sẽ bắn ngay. Chính vì thế mà một số bệnh nhân tâm thần người Việt bị chết oan khi cảnh sát được gọi đến thấy trong tay của bệnh nhân cầm vũ khí nhưng không tuân theo mệnh lệnh trong khi đó người thân chưa kịp giải thích.
- Sau 72 giờ, nếu người bệnh không tự ý ở lại điều trị, mà các chuyên viên tâm thần nhận thấy cần phải lưu giữ bệnh nhân thêm hai tuần để theo dõi và điều trị thêm thì sẽ phải làm thủ tục xin phép tòa án: 5250 certification
- Sau hai tuần lễ, người tâm thần không muốn ở lại điều trị vì nghĩ rằng mình không có bệnh, trong khi đó các chuyên viên tâm thần thẩm định bệnh nhân cần phải lưu giữ thêm 180 ngày để tiếp tục điều trị, lúc đó cần phải làm thủ tục ra tòa (Riese Hearing).
- Sau 180 ngày, nếu người tâm thần cần điều trị tiếp thì phải làm thủ tục giám hộ tạm thời trong vòng một năm (Temporary Conservatorship). Các thủ tục tòa án như thế để tránh sự lạm dụng lưu giữ bệnh nhân ngòai ý muốn của họ.

Sau đây là những quyền lợi tổng quát của bệnh nhân:
1. Bệnh nhân được kính trọng, chăm sóc, tôn trọng riêng tư.
2. Bệnh nhân được bảo vệ an toàn, được hưởng mọi quyền lợi trong khi điều trị, được giữ bí mật về hồ sơ bịnh lý của mình, được quyền khiếu nại nếu thấy mình bị đối xử không công bằng.
3. Bệnh nhân được thông tin về thuốc men và được giải thích về các phương thức điều trị giữa những nguy hại (Risks) và ích lợi (Benefits). Bệnh nhân có quyền từ chối uống thuốc, khi ấy phải cần xin phép tòa án hay người bảo trợ (Conservator).
4. Bệnh nhân chỉ uống hay chích thuốc khi đã ký giấy đồng ý điều trị (Consent).
5. Bệnh nhân được quyền sở hữu những đồ dùng cá nhân miễn sao những vật dụng này không nguy hại cho họ và cho những người khác.
6. Bệnh nhân được bảo vệ bởi luật pháp.

Các phương thức điều trị:

Trong vài thập kỷ gần đây ngành tâm thần tiến triển rất nhanh nhờ những tiến bộ về bioneurochemistry, PET SCAN, những nghiên cứu về hành vi (behavioral science) đã giúp ích trong tâm lý liệu pháp (psychotherapy), những tiến bộ trong ngành dược, các loại thuốc antipsychotic thế hệ thứ hai và thứ ba lần lượt ra đời. Tuy vậy, sự điều trị tâm thần hoàn toàn không giới hạn ở thuốc.

Quan niệm điều trị bệnh tâm thần là tạo cho bệnh nhân con đường hồi phục (recovery) để trở về cuộc sống trong cộng đồng gần như bình thường. Muốn thế, phải tạo cho bệnh nhân một niềm hy vọng (hope) nghĩa là bệnh nhân phải tự tin ở mình trong việc học hỏi và chia sẻ cảm xúc với người xung quanh.

Để điều trị một bệnh tâm thần, một nhóm chuyên viên được thành lập như sau:
- Bác sĩ tâm thần (psychiatrist) chuyên lo thuốc men và hành vi.
- Bác sĩ tâm lý (psychologist) chuyên lo về tâm lý.
- Chuyên viên hồi phục (rehab therapist) giúp đỡ hoặc hướng dẫn kỷ năng giao tiếp cho bệnh nhân (social skills) trong các sinh hoạt hàng ngày (activity of daiy living) như nấu nướng, chăm sóc nhà cửa, quản lý tiền bạc, vui chơi sinh hoạt, làm những công việc phù hợp với khả năng của họ.
- Social worker tìm kiếm người bảo trợ về tài chánh, nơi ăn ở khi người bệnh xuất viện.
- Cán sự tâm thần (psych tech) theo dõi và ghi nhận những chức năng sinh hoạt hàng ngày để giúp đỡ bệnh nhân như khả năng thực hiện ăn mặc, sinh hoạt, khả năng nhận thức hiện thực (reality) và khả năng ứng xử (communication) với người xung quanh cũng như tính khí hàng ngày (mood).
- Điều dưỡng (register nurse) làm cầu nối cho bác sĩ nội khoa và bác sĩ tâm thần để theo dõi các bệnh về nội khoa hoặc các biến chứng do thuốc tâm thần.
- Chuyên viên dinh dưỡng (dietician) dựa vào ý kiến của bác sĩ nội khoa mà đề nghị một khẩu phần thích hợp. Khẩu phần này được xem xét lại mỗi ba tháng và sáu tháng.

Nhóm chuyên viên này gọi là interdisciplinary team (nhóm điều trị) sẽ cùng với bệnh nhân mà đưa ra một kế hoạch điều trị (wellness recovery plan) sao cho phù hợp với mục tiêu (goal) của người bệnh. Nhóm điều trị (ID TEAM) họp với bệnh nhân vào mỗi tháng, ba tháng, sáu tháng, một năm để duyệt xét lại kết quả điều trị đạt hay không đạt mục tiêu của bệnh nhân mà tìm ra nguyên nhân để sửa đổi sao cho phù hợp theo từng giai đoạn.

Nhóm điều trị sẽ vạch ra phương thức bao gồm:
1. Trị bằng thuốc (Medication Therapy)
2. Liệu pháp nhóm (Group Therapy): Bệnh nhân được chia thành từng nhóm để giáo dục những kiến thức về bệnh tâm thần, những tác dụng phụ của thuốc, các dấu hiệu khi bệnh tái phát, hướng dẫn bệnh nhân chuẩn bị hội nhập cộng đồng trước khi xuất viện. Giới thiệu cho bệnh nhân xem những video mà các bệnh nhân khác đã hồi phục, trở về cộng đồng đạt được các vị tri cao trong xã hội, tạo cho họ niềm hy vọng phục hồi. Trong liệu pháp nhóm (Group Therapy) các bệnh nhân ngồi lại với nhau, chia sẻ cảm xúc và khả năng giải quyết từng người.
3. Tâm lý liệu pháp (Psychotherapy): Giúp bệnh nhân giải quyết những âu lo phiền muộn tạo cho họ tự tin về mình, giúp bệnh nhân kiểm soát những nóng giận bực tức đưa đến các hành vi không kiểm soát được bằng phương pháp coping skills.
4. Rehab Therapy.

BỆNH NHÂN TÂM THẦN ĐƯỢC THEO DÕI VÀ QUẢN LÝ NHƯ THẾ NÀO?
Bất cứ bệnh nhân tâm thần nào sau khi nhập viện cũng đều được đánh giá các nguy cơ (Risk) DTS/DTO bằng các câu hỏi trực tiếp như sau:
a) Ông/Bà có ý định tự tử hay hủy hoại thân thể (self inflict) không?
b) Ông /Bà có tư tưởng đánh hay giết người không?
c) Ông/Bà có từng chơi với lửa hay đốt nhà không?

Nếu câu a) và b) họ trả lời: có (yes), lập tức người bệnh được đưa tới bác sĩ tâm lý để đánh giá suicidal risk. Cả 2 bác sĩ tâm lý và bác sĩ tâm thần đều thống nhất nghĩ nguy cơ người bệnh có thể tự tử. Lúc đó một y lệnh đề ra 1:1 observation, từ lúc đó người bệnh được theo dõi bởi một nhân viên y tế suốt 24/24 và cứ mỗi giờ nhân viên y tế phải ghi lại tất cả những hành vi và lời nói của người bệnh. Cho dù người bệnh trả lời không, nhưng trong bệnh sử người bệnh đã từng có các hành vi nói trên thì trên hồ sơ bệnh án của họ được dán các dấu : DTS, DTO hay FIRE PRECAUTION. Bên cạnh các nguy cơ về tâm thần, người bệnh cũng được xem xét các nguy cơ về nội khoa như: bệnh động kinh (seizure), nguy cơ té ngã (fall risk), nghẹn thức ăn (choking precaution).

Đối với các bệnh nhân hung dữ, quậy phá nhân viên y tế được huấn luyện cách tiếp cận với người bệnh sao cho cả hai đều được an toàn từng bước như sau:
1. Hỏi người bệnh muốn gì và đang nghĩ gì?
2 . Hướng dẫn người bệnh các phương thức chống âu lo, bực tức.
3. Đề nghị người bệnh một vài phương thức giải trí hay thư giãn.
4. Giải thích và đưa đề nghị cho người bệnh chọn lựa sao cho an toàn.
Bước kế tiếp là dùng thuốc để kiềm chế gọi là chemical restraint, các thuốc này được sử dụng khi cần (PRN) thường là Zyprexa, Thorazine hoặc coctail (Haldol+ Ativan+ Benadryl.).
Phương thức cuối cùng, để giới hạn sự quậy phá của bệnh nhân là áp dụng mechanical restraints (Nên nhớ là đây là mức cuối cùng nếu phương thức trước không có hiệu quả, hay chưa hiệu quả.). Mechanical restraints là cách giới hạn bệnh nhân bằng cách cố định họ trên giường bởi các vòng da (leather), thường là 5 điểm (5 point restraints): 2 vòng ở cổ tay, 2 vòng ở cổ chân và 1 vòng ở quanh bụng, dĩ nhiên là chân giường cũng cố định chắc chắn dưới sàn nhà, bệnh nhân được đặt trong tư thế nằm ngửa. Luật California giới hạn restraint không quá 4 giờ cho người lớn và không quá 2 giờ cho thanh thiếu niên. Một nhân viên y tế sẽ ngồi trong vòng 6 feet để quan sát và theo dõi, ghi nhận tình trạng bệnh nhân mỗi 15 phút, nhất là các tổn thương về da và hệ tuần hoàn. Bệnh nhân sẽ được thả ngay nếu họ phát biểu rằng đã bình tĩnh, có thể kiểm soát được hành vi của mình (I am calm down now, I'm able to control myself) hoặc nếu thấy có bất thường về các dấu hiệu hô hấp hay tuần hoàn. Trong thời gian restraint người bệnh được đáp ứng các nhu cầu về sinh lý như ăn uống vệ sinh và vận động các khớp mỗi 2 giờ. Tuy vậy thỉnh thoãng vẫn có tai nạn chết người do sơ ý đối với các bệnh nhân có vấn đề tim mạch, hô hấp hay béo phì. Chính vì thế luật California rất khắc khe trong việc áp dụng mechanical restraints đối với người bệnh. Bệnh viện có một hệ thống điều hành giống như một thành phố thu hẹp, có hệ thống bưu điện, có hệ thống cảnh sát, nhân viên bảo vệ riêng. Cảnh sát và nhân viên bảo vệ thường xuyên tuần hành để phát hiện người trốn viện, hoặc giúp đỡ khi có các bạo hành.
Trong khi điều trị, người bệnh được theo dõi các tác dụng phụ của thuốc như:
- Hệ thần kinh: chóng mặt, buồn ngủ, mệt mỏi, run rẩy (tremors), các dấu hiệu pseudoparkinson, tardive dyskinesia.
- Hệ tuần hòan: tụt huyết áp khi đứng (orthostatic hypotension), rối lọan nhịp tim
- Hệ tiêu hóa: chảy nước miếng (drooling), nóng ruột (heart burn), táo bón, rối loạn chức năng gan, tăng NH3 (do Depakote) - Hệ huyết học: giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, thiếu máu do thiếu sắt (ở bệnh nhân PICA behavior).
- Hệ nội tiết: giảm chức năng tuyến giáp, hội chứng giảm Na trong máu (SIADH), tăng đường huyết.
- Hệ niệu khoa: chức năng thận, giảm libido.
Một trong các điều quan tâm đối với bác sĩ tâm thần là các thuốc antipsychotic thường làm bệnh nhân tăng cân (Zyprexa, Seroquel...) có lẽ do thay đổi biến dưỡng khiến người bệnh thèm ăn ngọt hơn.

Trong vòng 90 ngày nếu bệnh nhân ổn định (stable mood) và không còn các rối lọan về hành vi (đánh người, hủy hoại thân thể, đập phá tài sản), người bệnh được giảm thuốc dần, giữ ở mức duy trì và sau đó được chuyển đến các trung tâm ít giới hạn hơn gọi là ALOC (Alternative Level of Care), nghĩa là người bệnh được tự do đi lại và giải trí nhiều hơn, tùy theo tình trạng mà họ có thể tham dự vào cộng đồng một phần như đi làm vài giờ trong tuần hay trở về cộng đồng hoàn toàn nếu có thân nhân bảo lãnh.Mặt khác, trong khi điều trị nếu bệnh nhân phát biểu rằng họ có ý định muốn giết người nào đó, nhất là các nhân vật quan trọng. Tất cả những lời nói này đều phải xem như nghiêm trọng, không thể bỏ qua. Tên tuổi, hồ sơ của người đó phải được gởi qua cơ quan mật (Secret Service).Bộ Tư Pháp (DOJ) của tiểu bang có nhiệm vụ theo dõi và kiểm tra công việc của các bệnh viện tâm thần định kỳ hay đột xuất nếu có người kêu ca (complaints).

Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2011

Khó nuôi

Tác giả: Nguyễn Thy Anh

Khi được bà nội bồng lên bờ, bé Tèo mềm như bún, không rên không khóc, tôi cứ tưởng bé đã chết. Trong khi cha bé lui cui cột ghe vào bụi chuối trên bờ, người mẹ ngồi lại trên ghe, không dám bước lên, khóc nức nở.
"- Bác sĩ ơi, bác sĩ ơi . . . làm ơn cứu cháu tui . . . " Người bà vừa kêu vừa chạy lúp xúp vào nhà tôi, dáng bà nhỏ thó, hai chân đi hai hàng, bàn chân có ngón cái to bè của những người quanh năm làm ruộng. Tôi vội đặt bé nằm ngay lên chiếc bàn nhỏ giữa nhà, bé dài không quá hai gang tay tôi, được bọc kín trong một chiếc khăn lông cáu bẩn. người bà kể lể trong nước mắt:"Nó sanh mới có 2 tuần, sanh ra khỏe re à, không biết sao sáng giờ nó không thở, không nhúc nhích cục kịch gì hết trơn !”
Bé Tèo thở rất chậm, chỉ khoảng 10 lần trong 1 phút rồi lại ngưng thở từng đợt, những lúc ngưng lâu quá nửa phút, bé tím dần và nổi bông tòan thân. Mạch bẹn rất yếu, nhịp tim chỉ 30 đến 40 lần một phút, quá chậm đối với một trẻ sơ sinh. Ca này xứng đáng nằm trong khoa cấp cứu bệnh viện rồi, nhưng điều này lại không thể thực hiện được! Nhà tôi cách xa bệnh viên huyện 30 km, và năm 1980, chỉ có thể chuyển bệnh lên huyện bằng ghe, mà theo đường sông, nếu nước xuôi cũng phải mất 2 giờ đồng hồ đi ghe máy. Gia đình bé chỉ có độc 1 chiếc xuồng 3 lá không gắn máy.
Đành phài động não và cấp cứu ngay thôi.
Vừa bóp tim cho bé bằng 3 ngón tay đặt trên xương ức, vừa thổi miệng qua miệng, bé hồng lên trông thấy nhưng rồi đâu lại vào đấy, lại ngưng thở, lại tím tái. . . Nếu là bệnh lý tim thì nhịp thở phải rất nhanh, nếu là bệnh lý hô hấp thì nhịp tim phải rất nhanh để bù trừ, thật lạ là cả 2 đều rất chậm!
Vừa cấp cứu, tôi vừa theo dõi đồng tử, đồng tử bé luôn nhỏ như đầu kim!
Không lẽ ngộ độc thuốc phiện? Tôi gặng hỏi, người cha rụt rè: "Thấy nó ỉa rột rẹt mấy ngày nay, người ta bày, tui mua cho nó uống 1 viên thuốc cầm ỉa nhỏ xíu à!”
Rồi, thế là xong! hỏi bệnh sử có 1 câu đã có hướng chẩn đoán. Các bạn có biết thuốc cầm ỉa ngày ấy là thuốc gì không? Đó là những loại cao thuốc phiện tên “Paregoric”, đóng thành viên 5mg hoặc thuốc rượu “con rồng” vì có nhãn con rồng ngoài chai thuốc, bao gồm rượu pha atropine . . . Những ngày ấy, ở các vùng nông thôn, bạn có thể tìm mua nhiều lọai thuốc tây điều trị các bệnh thông thường như cảm cúm nhúc đầu, đau bụng tiêu chảy . v . v . tại bất cứ 1 tiệm tạp hóa nào trong xóm. Tại đây, bạn cũng có thể mua các lọai kháng sinh thông dụng như “ăm pi” (ampicillin), “suyn pha”( sulfatrim) hay “te ra” (tetracycline), thậm chí nếu bạn không nhớ tên, chỉ cần nói đại lọai như “ bán cho tui 4 viên đầu đỏ đầu đen , chủ tiệm hiểu ngay đó là 4 viên ampicillin . . . Vui hơn nữa, các loại kháng sinh này không chỉ dành cho người mà còn dành cả cho . . . heo và gà vịt, trong các mùa dịch.
Trẻ sơ sinh đứa nào mà không ỉa nhiều lần trong tháng đầu? 1 viên paregoric đủ làm nín ỉa 1 ngưới lớn cả ngày! Không có thuốc đối kháng morphin, thôi thì đành tiếp tục cấp cứu hô hấp tuần hoàn vậy.
Chưa có ca ngưng thở nào mà tôi cấp cứu lâu như bé Tèo. Thật vậy, người tiến hành cấp cứu ngưng thở, chỉ 30 phút là đuối, may mắn, bé Tèo quá nhỏ, cấp cứu hơn 3 tiếng đồng hồ mà tôi vẫn chưa sao, vừa cấp cứu tôi vừa uống . . . nước lấy sức.
Rồi bé cũng hồng hào dần, càng ngày càng được lâu hơn và nhịp tim, mạch quay đều bắt được. Tôi để bé nằm thêm tại nhà tôi khoảng 4 giờ nữa, thật ổn mới cho về. Cấp cứu không tốn 1 mũi thuốc.
Người mẹ lên bờ từ hồi nào, đã mon men lại sau lưng tôi mà tôi không hay, lúc này mới nói lí nhí “Cám ơn bác sĩ đãcứu con tôi, tôi đội ơn bác sĩ ”. Tôi đùa: "Về mần heo ăn mừng nha!” Người mẹ vui vẻ: “Chắc chắn rồi, sẽ mời bác sĩ vô nhà nhậu 1 bữa cho biết!”
Nhà bé Tèo ở tận trong ngọn (đầu nguồn con sông nhà tôi) có tên là rạch Lá. Gia đình 2 vợ chồng cưới nhau hơn 5 năm mà chưa có con, cầu khẩn nhiều nơi mãi không thành công, nghe lời thầy bói, họ tìm nuôi 1 đứa con nuôi. Thật hay, chỉ sau 1 năm, người vợ có bầu bé Tèo.
Những năm sau đó, có người nào từ rạch Lá ra khám bệnh, tôi cũng hỏi thăm về bé Tèo, vì đây là ca cấp cứu ngưng thở thành công duy nhất bằng phương pháp thổi miệng qua miệng của tôi sau 2 năm ra trường ! Nghe nói bé lớn nhanh và được cưng chiều hết mức, đám thôi tôi bé, gia đình mần 1 con heo rất to, đãi bà con chòm xóm rất đông (tôi không được mời!). Người ta cũng kể rằng, đứa con nuôi, sau khi có bé Tèo, bị đối xử rất tàn tệ, thường xuyên phải ăn đòn, thức khuya dậy sớm theo người cha đi đóng đáy, đi bán cá tép . . . Mẹ bé Tèo thì chẳng còn nhớ gì tới ông bác sĩ mới ra trường có phòng mạch bên bờ sông đã cứu sống con mình ngày nào.
Mới đây, lại có 1 bà cụ từ rạch Lá lên thành phố tìm tôi chữa bệnh, tôi lại hỏi thăm về bé Tèo. Bà cụ buồn buồn: "Cha thằng Tèo là cháu kêu tôi bằng cô, tội nghiệp, 2 vợ chồng có mỗi thằng Tèo, cưng như cưng trứng, tới 12 tuối, nó bị sưng phổi, nhà mang đi chữa thầy khoán, tới lúc sắp chết, thở ngáp cá, mới bồng lên bệnh viện tỉnh, bác sĩ la quá trời!”
Rồi sau đó 2 vợ chồng cũng chẳng có thêm đứa con nào, họ thường xuyên cãi nhau. Người chồng, cuối cùng bỏ đi theo 1 cô vợ bé!

Thứ Ba, 18 tháng 10, 2011

Ảnh nghệ thuật của Nguyễn Thanh Minh (2)



Cau chín ở Khu du lịch Văn Thánh Tp. HCM
(Ảnh nhận ngày 18-10-2011)

Thứ Năm, 6 tháng 10, 2011

FEELING YOUNG (Bài viết của Nguyễn Thy Anh)

"Bác sĩ , sao bác sĩ không nhuộm tóc đi?" "Vị khách 75 tuổi, việt kiều Mỹ, nói với tôi trước khi đứng lên.

Tôi hỏi lại:" Nhuộm để làm gì?"

Ông giả lả : " thì để . . . feeling young ấy mà!"

Rồi ông đứng lên, phải vất vả vịn hai tay lên bàn vì đau đầu gối, cô bạn gái khoảng trên 30 tuổi, vội vàng lại đỡ ông đứng lên, lo lắng "có sao không mình?" Ông khập khiễng theo cô bước ra khỏi phòng khám . . .Lúc này tôi mới để ý nhìn kỹ ông. Tuy đã 75 tuổi, khá nhăn nheo nhưng vóc dáng ông cũng còn thon thả, mái tóc ông đen tuyền, chỉ để lộ một ít viền bạc ở chân tóc phía trên hai tai. Mày râu nhẵn nhụi, nước hoa thơm lừng. Ông đeo một sợi dây chuyền bện bằng thừng to đùng, mặt dây chuyền bằng đồng hình thánh giá. Ông mặc một chiếc áo body hoa văn mầu nâu đất rất hợp với chiếc quần jean xanh nhạt. Nói chung thì nhìn cũng có vẻ trẻ trung so với tuổi. Ông đến khám vì đau khớp gối, đau lưng và tăng huyết áp, nói chung là vì ba cái bệnh của . . . người già.

Nhiều người đã lầm khi cho rằng sau khi sinh ra thì phải bệnh trước rồi mới già nua. thật ra không cần đợi đến tóc bạc da mồi mới là già lão mà già là quá trình đã tích lũy từng giây, từng phút, từng giờ trong suốt một thời gian nhất định. Một đứa bé đang lớn lên cũng chính là đang lão hóa. Khi còn bé, ai cũng có lúc mong mình sớm lớn lên để hưởng thụ được những thú vui của người lớn, có thể đi chơi, làm gì tùy thích mà không ai ngăn cấm. Sở dĩ lúc ấy chúng ta nghĩ thế vì chúng ta chưa từng biết cảm giác "già" là gì. Cuộc đời ngắn ngủi, học hết cấp một, cấp hai, cấp ba rồi vào đại học, tốt nghiệp rồi đi làm, lấy vợ hoặc lấy chồng rồi đẻ con, ngoảnh đi ngoảnh lại bỗng giật mình vì đã thấy tóc trắng trong tay. Không ai thoát khỏi sinh lão bệnh tử. Tuy lão hóa là một hiện tượng tự nhiên nhưng nhiều người, nhất là những người coi trọng cuộc sống vật chất, coi trọng hình thức, lại rất ngại mỗi khi có người đề cập đến chúng. Họ thường giấu tuổi như một bí mật cá nhân, ai hỏi đến liền cho là bất lịch sự. Khi có ai khen mình trẻ hơn tuổi thì rất vui mừng. Phần lớn ai cũng sợ già, không muốn người khác thấy mình già và muốn mình trẻ mãi dưới mắt người khác. Tâm lý trốn tránh sự già nua của tiến trình tự nhiên chính là một nỗi khổ của con người.

Thượng tọa Thích Thánh Nghiêm, một thiền sư nổi tiếng của Đài Loan kể:" Già không nhất thiết phải đến mức lẩm cẩm, nhưng đến tuổi lão suy thì quả là rất khó khăn. Nhiều người an ủi tôi rằng tôi trẻ lắm, trông tôi như chỉ mới năm mươi thôi, tôi nói đạo hữu chớ khen quá thế vì năm nay tôi đã bảy mươi. Tôi thế nào thì mình tôi hiểu, thế mà nhiều người lại muốn "lừa" tôi, khen tôi trẻ khỏe như thế; bảy mươi là bảy mươi, năm mươi là năm mươi . . giống nhau thế nào được? Tại sao chúng ta không biết tận dụng từng giây từng phút của đời mình để giúp mình sống hữu ích trong thân xác tạm bợ với thời gian ngắn ngủi này. "Tại sao chúng ta phải sống một cách giả tạo để tự lừa dối chính mình bằng những biện pháp "ngụy trang" cho sự già lão để cố gắng feeling young? có cần thiết không khi đó là một quy luật của muôn đời không ai thoát khỏi? Theo tôi, có lẽ "feeling young" không hay bằng "feeling well" hoặc "feeling happy" đâu.
http://vuisongmoingay.blogspot.com/2011/05/feeling-young.html