Thứ Hai, 24 tháng 10, 2011

Câu chuyện về một người điên (bài của Nguyễn Tăng Tri)

Chuyến về thăm Đà Nẵng của tôi tháng 4 năm 2011 mới đây trở nên sôi động trong sinh hoạt với đám bạn học thời trung học của tôi khi tôi tìm ra địa chỉ và đến thăm một bạn học cũ là Nguyễn Ngọc Anh, cựu học sinh trường TH Kỹ Thuật Đà Nẵng(từ năm 1965-1970), cựu Sinh Viên năm thứ 3 trường Quốc Gia Kỹ Sư Công nghệ NK (1971-1973).
Tôi đã có dịp về thăm Đà nẵng 7 lần từ năm 1976 đến nay, và thăm trường cũ được 4 lần nhưng lần nầy mới tìm ra được Nguyễn Ngọc Anh.
Ngày 5/4/2011,Trần Viết Mỹ (cũng là bạn cùng lớp với tôi và N.A) hẹn gặp tôi ăn điểm tâm, sau đó Mỹ phải về nhà thăm ba của Mỹ, tôi hỏi Mỹ còn nhớ địa chỉ của Ngọc Anh không? Mỹ không nhớ nhưng chở tôi đến khu vực nhà cũ của gia đình N.A.
Sau khi đã hỏi 3,4 người đang làm việc ở các cửa hàng gần đó, không ai biết. Cuối cùng có người chỉ một căn nhà bỏ trống phía trước. Tôi bấm chuông thì gặp được Thường, một cựu SV Đại Học Khoa Học SG, học sau tôi và T.V. Mỹ 2 năm.
Thường cũng không biết địa chỉ của N.A nhưng rất nhiệt tình và hứa sẽ tìm kiếm và điện thoại cho tôi.
Hai hôm sau, Thưòng gọi cho tôi biết đã kiếm ra chỗ ở của N.A. và ngay sau đó đã chở tôi đến thăm N.A.
Đến nơi, tôi gặp Hoa, em gái N.A và mẹ Ngọc Anh. Bác gái đưa tôi lên gác nơi N.A ở (còn ba của N.A. đã qua đời lâu rồi).
Gặp lúc bị cúp điện, chỉ có ánh sáng lò mờ từ cầu thang hắt lên, N.A từ trong phòng nhảy ra, má N.A nói có bạn con từ Canada về thăm đây. N.A.
đưa tay khoát khoát xua đuổi tôi và nói li nhí không rõ tiếng.
Tôi hỏi N.A. nhiều lần: mầy còn nhớ tau là Nguyễn Tăng Tri, bạn học của mầy đây khong?…Nhưng N.A. vẫn khoát tay và xô tôi ra. Sau khi mắt tôi đã quen với ánh sáng mờ mờ, tôi quan sát chung quanh thì thấy các cửa sổ bị đóng kín, N.A. không nhận rõ tôi vì đã 32 năm không gặp lại, nhân dạng tôi đã đổi khác, và bất ngờ tôi ở xa về, có lẽ vì vậy N.A. từ chối gặp tôi, nhất là sau nhiều biến cố đã xảy ra cho N.A. kể từ “mùa hè đỏ lửa 1972”…
Câu chuyện tôi kể sau đây không nhằm mục đích phê phán ai cả mà chỉ muốn nêu ra để các bạn học cũ, các thầy cô và các bạn cùng thời suy gẫm về thân phận và số phận của một sinh viên thời chiến (mà có thể của nhiều bạn khác nữa!)…Và những gì chúng ta có thể làm được để cố gắng xoa dịu bớt nỗi đau khổ và mất mát của N.A. và gia đình bạn ấy.
…Cuối cùng thì N.A. không quyết liệt xua đuổi tôi mà dần dần dịu xuống, cái đẩy tay tôi ra nhẹ nhàng hơn và thều thào: đi xuống, đi xuống…
Tôi nói với N.A.: Tau đi xuống thì mầy có xuống không?
N.A. gật đầu : Ừ, đi xuống.
Tôi xuống cầu thang gác, N.A. bước xuống theo, ra đến cửa, hắn ngó lên trời, nhìn bên phải ra đầu hẻm, nhìn bên trái về phía trong con hẻm nhiều lần. Rồi nhìn đăm đăm tôi rất lâu.
Tôi thấy trước cửa nhà đối diện có 2 cái ghế bỏ trống bèn bảo N.A. qua đó ngồi nói chuyện. N.A. đứng một hồi lâu chừng 5 phút .Vẫn chưa chịu ngồi, tôi đến ôm N.A., nó để yên, nước mắt tôi trào ra khi nhìn thấy hình hài ốm o gầy mòn, râu không cạo, tóc không cắt, răng đã rụng gần hết, chỉ còn lại vài cái làm miệng móm sọm. Những người hàng xóm đang bán hàng ở đầu hẻm 27 Lý Thái Tổ nhìn tôi ngạc nhiên và tỏ vẻ ái ngại.
Tôi buông N.A ra và bước đến ghế ngồi rồi gọi N.A. đến ngồi, N.A. bước đến chuẩn bị ngồi vào ghế thì môt thanh niên dáng dấp to lớn từ ngoài đầu hẻm bước đến và mời vào nhà , thì ra đó là Trí, em ruột cuả N.A. Lúc xưa, Trí còn nhỏ nên không biết tôi mà chỉ nghe tên tôi.
Tôi ,Trí, N.A.và mẹ N.A. cùng vào nhà…Tôi đã gởi cho mẹ N.A. 100USD để gọi là chút quà cho N.A. vì nó từ chối đi ăn với tôi..
Tôi đã hỏi N.A. có nhận ra và còn nhớ tôi là ai không? N.A. trả lời: Mi là Nguyễn Tăng Tri chứ ai!
Tôi nhắc lại một kỷ niệm ngày xưa khi tôi và N.A. còn học SPCN ở ĐH Khoa Học SG năm 1970-1971:
Mầy còn nhớ tau với mầy dành đọc trước bộ sách truyện dịch 4 cuốn Chiến tranh và Hòa bình, lúc ấy mầy mua bộ sách đó, mầy đọc trước cuốn 1, rồi đưa tau mượn độc cuốn 1, mầy bắt đầu đọc qua cuốn thứ 2, nhưng mầy đọc chậm quá tau đòi đọc trước cuốn 2, hai thằng cãi nhau và cuối cùng bắt thăm để xem đứa nào đọc trước, mầy còn nhớ cuốn sách đó, tác giả là ai?
Thật bất ngờ, N.A. trả lời ngay: Của Léon Tolstoi chứ ai!
Tôi bảo N.A.: Bây giờ mình đi kiếm gì ăn sáng,(mặc dầu tôi đã ăn với chú của tôi rồi), hoặc là kiếm gì nhậu nghe?
Trong khi trò chuyện với Trí tôi đưọc biết có các bạn Trần Hữu Trung, Nguyễn Văn Thùy, Thái Mỹ Liên, Mai Rạng, Nguyễn A, Trương Quang Phước, Huỳnh Văn Quý, Huỳnh Trọng Từ, Phan Liễu vẫn nhắc đến Ngọc Anh và thỉnh thoảng ghé thăm. Tôi bảoTrí gọi điện thoại và mời các bạn đến thăm N.A. và kiếm quán nhậu với nhau và rủ N.A. ra khỏi nhà.
Khi đang chờ Trung, Liên và Thùy đến. (Các bạn khác bận về quê làm lễ Thanh Minh và giỗ gia tộc, Nguyễn A thì phải chăm sóc cho chị ruột của hắn bị tai nạn giao thông ở quê nên không về được). Tôi nhận được điện thoại từ BS Trần Thị Hiệp ở Biên Hòa, đang nói chuyện điện thoại tôi thấy N.A. ra khỏi cửa và đi vào sâu trong hẻm, sau đó đi về tay xách một túi nylon nhỏ màu đen, đến khi tôi trở vào nhà, Trí mới nói, anh Anh đi mua bia về đãi anh đó…
Trung, Thùy, Liên đến. Bạn bè nhắc lại nhiều kỷ niệm ngày xưa. N.A chỉ tham gia vài nhận xét về bạn bè, khi thì đồng ý, khi thì lắc đầu.Tiếng nói của N.A. bị khan, và cũng do mất nhiều răng nên phát âm không rõ, phải cố gắng lắm chúng tôi mới hiểu rõ ý của N.A.
Trước khi ra về các bạn đồng ý với đề nghị của tôi là sẽ gặp nhau một lần nữa ở một quán ăn có mời thêm các bạn khác và tôi đề nghị N.A. hớt tóc, cạo râu và Trí sẽ chở N.A đi dự.
Hai hôm sau, Trung chở tôi đến thăm Nguyễn Trương Khôi, vừa mới mổ để thông đông mạch cổ bị tắc nghẽn, sau đó qua nhà Huỳnh Văn Quý rồi đến nhà Trang (chơi bóng rổ rất hay trong đội bóng với Lý Lương, Lý Minh), tìm đến một quán nhậu do Trang đề nghị. Sau đó Trung gọi cho Trí, nhưng không được bèn chạy đến nhà Trí và cùng rước N.A. đến quán nhậu.
Ngọc Anh đến nơi với tóc đã cắt ngắn và râu đã cạo, áo bỏ vào quần rất chỉnh tề…Chào hỏi, bắt tay bạn bè và cũng cụng ly uống bia với bạn bè…
Sau đó, cũng có vài lần nữa hẹn N.A đi ăn sáng, trưa, tối ở các nơi khác nhau.
Thái Mỹ Liên tình nguyện sẽ đến thăm N.A. thường xuyên và tôi đề nghị
Trí sắm giá vẽ, bản vẽ và màu để mỗi cuối tuần hoặc có dịp lễ đưa N.A ra biển, đi chơi ỏ núi Sơn Chà hoặc các cảnh đẹp để N.A giải khuây bằng các bức họa, đồng thời chuẩn bị giấy bút để N.A viết, làm thơ vì N.A. cũng rất thích thơ văn…Các bạn và người nhà đừng bao giở nhắc đến chuyện buồn, mà chỉ nên nhắc đến chuyện vui trong quá khứ. Trí nên sơn lại chỗ ở của N.A bằng các màu sáng, tươi nhưng dịu mắt, trồng một số chậu kiểng và hoa tươi ở các cửa sổ. Ban ngày cửa sổ phải mở và trong nhà trang bị đèn néon để cho sáng sủa làm cho tinh thần N.A phấn khởi. Nếu có thể được thì có máy ảnh để N.A. chụp hình chơi (mục này thì N.A. lắc đầu bảo không cần thiết).
Ngọc Anh đã mất hết tuổi thanh xuân trong lúc tràn đầy nhựa sống, là nạn nhân của tư tưởng phong kiến của cha, ông đã can thiệp quá sâu và quá nhiều vào tương lai, việc học hành và sự nghiệp của người con trai trưởng. Và cũng là nạn nhân của chiến tranh và thời cuộc.
Tôi còn nhớ rất rõ N.A. học giỏi và chăm chỉ, cầu tiến, nhưng thời cuộc và chiến tranh đã đẩy N.A. vào vòng xoáy của chiến tranh, đã phải chịu nhiều tủi nhục của một lao công chiến trường, chịu sự đọa đày bởi lòng ganh tỵ của một số sĩ quan trong đơn vị khi biết được N.A. trốn quân dịch để học tiếp năm thứ 3 Kỹ sư công nghệ, mà không đi trình diện để đi Sĩ quan Thủ Đức, để bị đày đến ở Quảng Trị. Ngọc Anh đã chịu tủi nhục trong suốt thời gian từ mùa hè đỏ lửa cho đến ngày 29/3/1975. Đó là những tháng ngày mà nhân phẩm của N.A bị tổn thương nặng nề nhất, mà N.A. đã tâm sự với tôi vào cuối năm 1976 khi tôi về thăm Ngọc Anh tại ĐN,vào lúc đó N.A. đã nói với tôi là nó đã được giải phóng đúng nghĩa…
Tôi nhớ lại câu chuyện của N.A:
…Một buổi chiều chủ nhật vào mùa thu năm 1972, tôi đang chở N.A. bằng xe Vespa super 150cc của tôi đi trên đường Trần Hưng Đạo, hướng về phía Saigon để đến nhà sách Khai trí, đến gần ngã 3 Trần Hưng Đạo-Nguyễn Hữu Cảnh thì bị Cảnh sát Công lộ thổi còi chận xét giấy tờ xe và bằng lái xe, cùng với các giấy tờ khác như thẻ SV, giấy hoãn dịch, và phải có tờ khai văn bằng Tú tài 1, và còn đòi lược giải cá nhân nữa. Tôi đang trình đủ giấy tờ thì N.A. bỗng đi về phía trước và trình giấy cho một cảnh sát viên mặt còn non choẹt, tên cảnh sát nầy săm soi giấy hoãn dịch của N.A. (lúc đó tôi đã được viên cảnh sát già trả lại giấy tờ và tôi chờ N.A. được trả giấy tờ). Bất ngờ viên cảnh sát nhỏ tuổi nầy móc sổ tay và xem các ghi chép trong đó, rồi mang giấy hoãn dịch của N.A. đến trình viên cảnh sát già và nói hắn nghi ngờ giấy hoãn dịch giả.
Viên cảnh sát già nầy liền bảo phải đưa vào Nha cảnh sát Đô Thành ở đối diện, bên kia đường, tôi liền cự với ông cảnh sát nầy là bạn tôi có giấy tờ hợp lệ, tại sao lại bị giữ lại, ông này bảo tôi nếu sau khi sưu tra giấy tờ hợp lệ thì bạn của anh sẽ được thả ngay sau chừng 15, 20 phút, và nói thêm nếu anh không chờ được thì cứ đi về trước đi chứ không được cãi.
N.A. nói tôi đến nhà cậu của N.A trên đường Trần Khắc Chân để báo tin cho ba của N.A đang vào SG mua đồ còn ở đó. Tôi chạy như bay đến nhà đó gặp ba của N.A., ông liền mắng tôi là tại sao chở N.A đi chơi để đến nỗi cảnh sát xét giấy tờ. Tôi trả lời ông là cảnh sát có thể xét bất cứ lúc nào,và có khi xét nhà chứ đâu cần phải đi trên đường phố, và vào cuối tuần tôi và N.A. là sinh viên đều có quyền đi chơi.
Sau đó, tôi gặp các bạn của N.A. ở cùng chỗ trọ với N.A. và nhờ các bạn ấy đến nhà cậu của N.A. để hỏi thăm tin tức thì mới hay N.A. bi đưa lên Trung Tâm Nhập ngũ tại Quân trường Quang Trung, và bị đưa ngay ra Quảng Trị vì N.A. bị mắc tội trốn quân dịch và dùng giấy hoãn dịch gia cảnh giả, giấy thật nhưng không có hồ sơ gốc, N.A bị đưa đi làm lao công chiến trường… Ngọc Anh đã có học quân sự học đường vả lại đi làm lao công chiến trường, không cần học quân sự. Ở mặt trận, từ binh nhì trở lên đều là thượng cấp của N.A.
Tôi tưởng tượng với hình hài nhỏ bé của N.A lại phải khuân vác, tải đạn, quân trang, quân dụng và sự thiếu thốn tại mặt trận nên đã nhiều lần không ngăn được cảm xúc và nước mắt.
Năm 1975 ấy, N.A. đã nói với tôi nó đã được giải phóng một cách đúng nghĩa để trở về cuộc sống thường dân, chạy về Đà Nẵng, N.A. đã đi tìm việc làm, với chứng chỉ học trình đã học xong năm thứ 2 Kỹ sư Công nghệ, trường TH Tư thục Phan Thanh Giản ĐN đã nhận N.A vào dạy trung học đệ nhất cấp, môn toán.
Nhưng một hôm, bí thư chi đoàn của trường đã đưa N.A. ra trước cột cờ kiểm điểm về quá khứ, N.A. xấu hổ với học sinh và bỏ việc. Trở về nhà, ba của N.A. la mắng suốt ngày. Người yêu của N.A là em của một người bạn học cùng lớp, cô ta cũng là bạn thân của em gái N.A., gia đình cô ta đã dọn vào SG trước năm 75. Vì cuộc chiến năm 75 mất liên lạc với N.A. đã tìm đủ cách để ra ĐN thăm N.A. về ở chung phòng với em gái N.A. đã bị ba N.A. mắng là “cột tìm trâu”, “trắc nết, lăng loàn”…Cô ta uất ức bỏ về SG và không gặp lại N.A nữa…
…Tháng 11 năm 1979, tôi về thăm ĐN lần thứ 2 kể từ khi vào SG học đại học năm 1970. Tôi đến thăm N.A., lúc nầy rất tiều tụy, ốm đi nhiều, thần sắc thất thần, không được tỉnh táo, đối đáp không nhanh nhẹn, trả lời không mạch lạc…Trong lúc mọi người chung quanh đều e ngại và lo sợ cho tôi khi tôi tiếp xúc với N.A., tôi mượn xe Honda của người em họ, đến rủ N.A. đi ăn tối, chở N.A. đi vòng vòng phố xá, đường Bạch Đằng rồi về 1 ăn uống ở một quán cóc ở vườn hoa Diên Hồng, gần ki-ốt của gia đình các cô Xuân, Hạ, Thu, Đông.
Chở N.A. về nhà, ngay tối hôm đó tôi gặp mẹ và em gái N.A. hỏi han về N.A. và được biết ba của N.A thường la rầy nó vì cho rằng quá khứ của N.A đã làm ngăn cản sự thăng tiến của ông trong lúc phấn đấu để làm chức phường trưởng. Ngọc Anh cãi lại và la hét, đập phá đồ đạc, ông già báo công an nhốt N.A vào phòng và cho phép đánh đập nếu N.A chống lại. Cho đến khi tôi về thăm thì đã để được tự do đôi chút. Mọi người chung quanh đều cho rằng N.A. đã điên thực sự…
Tôi bàn và đề nghị với má và em gái N.A là 2 người sẽ cùng đi với N.A. và tôi và có bạn tôi là Hồ Văn Lưu người Huế lớn lên ĐN, nay ở Biên Hòa đang cùng về ĐN với tôi để làm giấy tờ tùy thân để có thêm người có thể chế ngự nếu N.A. nổi cơn (Lưu đã chết cách nay 4 năm vì bệnh ung thư gan!), sẽ đi bằng xe lửa, để đưa N.A. vào BV Tâm thần Biên Hòa, nơi đó tôi có các bạn là bác sĩ sẽ giúp để có phòng riêng để chăm sóc và điều trị cho N.A. Má và em gái N.A. nhờ tôi nói giúp với ba của N.A để thuyết phục ông ấy đồng ý.
Tôi xuống lầu, gặp ông tại phòng khách và trình bày với ông về kế hoạch đã nói, tôi sẽ xin được giấy tờ chuyển viện vì tôi có thể nhờ chú họ tôi đang làm GĐ Bệnh Viện ĐN.
Nhưng…Ba của N.A. bảo tôi: “Cậu thương nó thì đưa nó đi cho khuất mắt tôi”. Tôi tức giận chỉ thẳng vào mặt ông và nói: “Ông là một người cha vô lương tâm và không có trách nhiệm, nó là con của ông chứ không phải con tôi. Thử hỏi,trên đường đi, nếu không có người trong gia đình, tôi lấy tư cách gì để can thiệp nếu nó nhảy tàu, gây gỗ hoặc gây ra chuyện gì với các hành khách khác trên tàu, và tôi đã giận dữ bỏ đi…
Từ ngày ấy, tôi không còn liên lạc với gia đình N.A.
Năm 2006, 2007, 2009, 2010 tôi có những chuyến thăm ĐN ngắn từ 2 đến 5 ngày, cũng có hỏi thăm bạn bè vê N.A. và gia đình hắn ra sao, nhưng không ai biết rõ đích xác địa chỉ, thêm vào đó phố phường đã đổi thay rất nhiều, tôi chỉ còn nhận ra được một số đường phố chính, nhưng không biết địa chỉ và trí nhớ của tôi cũng bị giới hạn bởi đã lâu không hề lưu ý tới.
Lần nầy,trở về với dự định thời gian dài hơn, tôi đã tìm lại được N.A. và đã tìm hiểu thêm tại sao N.A hóa cuồng hay điên dại? Tôi nghĩ, N.A. không mất trí hoặc điên loạn mà đã tự giam mình vào 4 bức tường của nơi cư trú, như thành lũy cuối cùng, “chui sâu vào thân xác lưu đày”, không còn hy vọng trở về cuộc sống bình thường, như “dã tràng” trong bản nhạc” Nha trang ngày về”.
Một N.A. đẹp trai, học giỏi, đầy mơ mộng ngày xưa nay là một ông già ở tuổi gần 60, đã mất 40 năm trong bóng tối cuộc đời và thời cuộc, một người bất hạnh nhất trong số các bạn bè cùng trang lứa.
Tuổi thanh xuân đã mất, còn dưới mắt hàng xóm láng giềng nửa thương, nửa sợ, xót xa cho N.A. với những cái nhìn e ngại khi thấy tôi tiếp xúc với người điên đã nói lên điều đó. Có lẽ các thành viên của gia đình cũng mang tâm trạng đó, chỉ có mẹ của N.A, khi đưa tôi lên gác để thăm N.A. và khi bị N.A. xua đuổi đã nấc lên tiếng nấc nghẹn ngào, mẹ N.A. chắc đã khóc rất nhiều rồi, tôi cũng ứa nước mắt theo, tôi đã đứng lì ra đó trong ánh sáng chập chờn của căn gác cho đến khi phản ứng của N.A yếu ớt dần dần, bỗng một ý tưởng lóe ra trong đầu tôi như một tia chớp, phải chăng N.A. tưởng tôi là công an đến bắt N.A đi theo yêu cầu của ba N.A., nó có biết là ba nó đã qua đời không? Phải chăng N.A. cố thủ vào căn gác như là một pháo đài cuối cùng của sự phòng vệ và nghi ngờ tất cả, từ khước tất cả sự chăm sóc và an ủi của mọi người chung quanh, Trí đã cho tôi biết là N.A tự nấu đồ ăn, tự đi mua thức ăn chứ không chấp nhận ăn bất cứ thức ăn do người khác mang đến mời.
Ý tưởng đó gợi lên trong trí tôi câu chuyện của một chiến binh Nhật Bản sống lẩn lút trong rừng sâu ở Phi Luật Tân từ khi Đệ nhị thế chiến chấm dứt, ông bị lạc với đơn vị cho đến 25 năm sau, thấy cảnh sát của Phi ngoài bìa rừng, ông đã bắn ra bằng cây súng đã lỗi thời trong đệ nhị thế chiến và chạy trốn sâu vào rừng, chỉ đến khi Đại sứ quán Nhật Bản được báo tin, đã tìm kiếm lại người đại úy chỉ huy trực tiếp của ông, đến bắt loa kêu đúng tên và nhắc lại số quân của ông, xưng đúng danh tánh người chỉ huy của ông, ông mới chịu ra đầu hàng…
Ở đây, trường hợp của N.A., do những biến cố của lịch sử và thời cuộc, mà một chàng trai thiếu tự tin vì đã bị nhiều tủi nhục, yếu đuối, không dám thoát ly khỏi hoàn cảnh của gia đình mà chỉ còn biết thúc thủ trong phòng riêng, mất hết liên lạc với bên ngoài, không còn ý niệm về không gian và thời gian, la hét nhiều làm tắt tiếng nên không ai hiểu được nỗi lòng…
Ngay cuối năm 1976, tôi không dám đề nghị N.A bỏ nhà vào SG vì tôi cũng chưa biết số phận mình ra sao. Năm 1979, tôi cũng không dám đưa đề nghị này vì những khó khăn của thời thiếu hụt lương thực.Tôi tiếc cho N.A một điều là năm 1971, nếu nó quyết định đừng bỏ 2 cuộc thi tuyển vào trường Đại Học Nha Khoa và Y Khoa thì nó đâu có bị mất 1 tuổi cộng thêm để được hoãn dịch, vì nó đã đậu SPCN trong số 346 SV đậu kỳ 1 năm đó. Năm đó là năm đầu tiên áp dụng chương trình đào tạo theo Mỹ, phải đậu SPCN của ĐH Khoa học mới được thi vào năm thứ 1 Y khoa (tuyển 250) hoặc Nha Khoa (tuyển 100, sau khi thi điêu khắc và vấn đáp loại 50 và tuyển 50). Không còn tuyển vào năm Dự bị Y Khoa và Dự bị Nha khoa từ tú tài hai mới lên.
Với tổng số thi đậu SPCN là 346, chỉ cần điểm cao hơn điểm của khoảng 100 người, chắc chắn xác suất đậu vào Y và Nha rất cao. Lại có cơ hội thi được cả 2 phân khoa vì ngày thi khác nhau mà những năm trước đó thì thi chung 1 ngày. Nhu vậy, kỳ thi SPCN đã vô hình chung là vòng loại. Sau này tôi mới biết là có sự bất hòa giữa 2 Hội Đồng Khoa của 2 trường Y(thân Pháp) và Nha (thân Mỹ) vì thi vào trường Nha chỉ có môn Anh văn mà không có Pháp văn, thi vào Nha các môn Lý Hóa, Sinh Vật chỉ có hệ số 1, mà môn Anh văn hệ số 2. Trong lúc thi vào trường ĐH Y các môn đều có hệ số 1 như nhau và thí sinh có thể chọn Anh văn hoặc Pháp văn. N.A. và tôi có sinh ngữ chính là Anh Văn.
Cái rủi cho N.A. là sự đầu tư của ba N.A quá nhiều để thi vào trường KS Công Nghệ, mà năm 1970 có 25 học sinh đỗ Tú tài Kỹ thuật đã không vào được vì đã bị cắt mất 25 chỗ trên 50 chỗ để tuyển 25 học sinh có tú tài 2 ban toán, chỉ tuyển 25 HS Kỹ thuật do nghị định của Bộ giáo dục. Và chỉ có năm 1970 mà thôi, năm 1971 tuyển trở lại 50 học sinh tú tài 2 kỹ thuật. Ngọc Anh thi đỗ thứ 2 vào Kỹ sư công nghệ năm 1971. Nhưng mùa hè đỏ lửa bị tổng động viên vì đã dư một tuổi dù đã đưọc cộng thêm 1 tuổi dành cho phân khoa thi tuyển, đáng lẽ N.A. thi Y hoặc Nha, có thể cũng sẽ đậu cả 2 phân khoa như tôi, được cộng thêm 1 tuổi hoãn dịch của năm SPCN, thì đã không bị động viên và không bị trở thành lao công chiến trường…
Cái rủi thứ 2 là cuộc chiến mùa hè đỏ lửa xảy ra lúc N.A. đang học, nếu ba N.A đừng chạy giấy tờ hoãn dịch giả, N.A nếu bị động viên cũng sẽ ở trong các ngành kỹ thuật như công binh, quân cụ, hoặc hải quân công xưởng hoặc căn cứ không quân về kỹ thuật như các bạn học sinh kỹ thuật khác, cơ hội trở lại trường kỹ sư cũng rất dễ sau nầy vì bị gọi đi lính chứ không phải tại thi lên lớp rớt.
Ý tưởng đó lóe lên, tôi nghĩ là liệu có thể đưa N.A. ra khỏi mê lộ của nó không nhưng tôi cứ thử, đâu mất mát gì.Tôi liền bảo N.A: - Tau xuống thì mầy có xuống không?N.A trả lời:- Ừ, thì xuống.
Sau đó thì câu chuyện diễn tiến như tôi đã viết ỏ trên. Ngọc Anh đã không điên loạn, mà chỉ do tự giam mình vào phòng tối, mất liên lạc với bên ngoài thời gian quá lâu. Không tin ai cả ngoài đứa em trai có vóc dáng to lớn, mạnh mẽ có thể che chở cho N.A. vì nó đã không tin rằng mẹ nó có thể che chở cho nó, như trong quá khứ đã xảy ra…các em khác cũng còn nhỏ không thể che chở cho N.A được. Chỉ có Trí nói thì N.A nghe.
Khi Trí đi làm thì N.A. đóng cửa, nghi ngờ và lo sợ bi tấn công, sợ ánh sáng bi chói mắt vì ở mãi trong tối, sợ bị đầu độc nên tự nấu ăn.
Mất ý niệm không gian và thời gian, la hét nhiều trước đây nên cổ họng bi viêm và mất giọng nói, từ đó phát âm không rõ ràng nên không ai hiểu được .
Trí cho tôi biết là trong suốt 40 năm qua, N.A. thường nhắc đến tên tôi ,Trí chỉ biết tên tôi mà chưa gặp tôi, hoặc lúc ấy Trí còn quá nhỏ, không nhớ rõ và vì tôi cũng chỉ đến nhà N.A có 2 lần vào năm 1976 và 1979. Trước khi về SG, để chuẩn bị trở lại Toronto. Tôi đã hẹn Trí và N.A. để gặp Nha Sĩ Cử ra trường sau tôi 16 năm, Cử là con rể của cô Nguyễn Thị Trai dạy tôi môn Vạn vật những năm học Đệ nhất cấp ở trường KT ĐN. Và tôi đề nghị Cử sẽ chăm sóc và làm răng giả cho N.A. Sau đó, tôi gởi cho Trí 100 USD ( làm răng giả ở VN rất rẻ) Trí không chịu nhận mà nói để em lo được, thì N.A nói: Anh Tri cho tau để chữa răng sao mầy không nhận cho tau. Nghe N.A nói lên được điều đó, tôi thật sự mừng vì rõ ràng N.A. không bị “điên”.
Trước giờ ra phi trường, Trí đã đề nghị từ ngày trưóc đó là sẽ tổ chức ăn trưa tại nhà Trí, để có dịp họp mặt gia đình và nói lời từ biệt, trong lúc đang chờ các bạn tới, mẹ của N.A. nói với tôi rằng: “Bác sống không còn bao lâu, chừng vài năm nữa thôi và hôm nay thấy được thằng Anh chịu ra ngoài và vui vẻ hơn bác thật mừng”. N.A. nói với mẹ nó: Mẹ tại sao nói điều bi quan vậy ? hãy lạc quan lên mà sống!
Rõ ràng N.A không bị “điên” vì nhận thức vẫn còn sáng suốt.
Trong buổi tiệc nầy chỉ có Thái Mỹ Liên đến vì Trung bị cảm sốt. Thùy bận về quê tảo mộ. Nguyễn A cũng còn bận chăm sóc chị ở BV, các bạn khác cũng bận việc. Trong lúc còn đang chờ nhập tiệc, bỗng Ngọc Anh hỏi tôi: Mầy có kêu thằng Ngà tới chơi không? Tôi ngạc nhiên hỏi lại: Sao mầy biết thằng Ngà? N.A. nói tau mới gặp đây mà! Lúc đó Trí nói với tôi là hôm tối ăn tại Nhà hàng Thế giới, anh Ngà ( là em con cô ruột tôi) ngồi gần anh Anh và có nói chuyện với nhau. Thì ra N.A vẫn sáng suốt và nhớ những gì đã xảy ra chung quanh điều đó chứng tỏ là N.A có thể trở lại cuộc sống binh thường, trở lại với ánh sáng cuộc đời. Ngọc Anh cũng đã tiễn tôi ra phi trường Đà Nẵng để vào SG.
Chuyến đi về VN lần nầy, tôi đã thực hiện được những việc riêng và chung theo đúng với những dự định, việc của N.A là việc không định trước nhưng là một việc làm tôi vui sướng nhất là đã giúp được N.A ra khỏi cái vỏ ốc của cả 2 mặt thể xác lẫn tinh thần. Không biết lần về sau nầy N.A có thể nói rằng đã được giải phóng hay chưa?
Các bạn còn cho biết Nguyễn Ngọc Cơ cũng là cựu HS KT, cũng bị tình trạng điên loạn giống như N.A, nhưng tôi không còn đủ thời gian thăm viếng, 25% thời gian của chuyến đi nầy, tôi đã vào các BV Chợ Rẫy, BV Chấn thương chinh hình, để can thiệp giúp cho 2 bệnh nhân, mục kích sự chen chúc, náo nhiệt như chợ trời và quá tải của các bệnh viện…
Và cuối cùng trước khi trở về Toronto 1 ngày, tôi đã chỉ định 1 đứa em vợ đưa đứa em áp út của vợ tôi đi khám bệnh, film phổi cho thấy có một bướu (khối u) lớn hơn 1 tấc, nghi là ung thư phổi, tôi cũng đã sắp xếp và gởi gấm lại cho BS Trần Ngọc Thạch, cùng khóa Y khoa với anh ruột tôi (đã mất tích trên biển Đông năm 1980!), trước làm việc tại BV Phạm ngọc Thạch (BV Lao Hồng Bàng cũ, nay anh đã về hưu, anh đã xem film và gởi cho các đệ tử và đàn em lo liệu).
Ôi! thân phận con người…Mỗi người có một nỗi đau khác nhau, đã làm tôi suy nghĩ trong suốt hành trình trở về Toronto và cho đến bây giờ, có lẽ sẽ làm tôi thay đổi nếp sống và lối suy nghĩ từ đây.
Toronto, 27/4/2011.
Nguyễn Tăng Tri

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét